Nhận thấy ưu điểm của giống thỏ Newzealand có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng và phát triển, sản phẩm thịt thơm ngon, bổ dưỡng và sạch, được người tiêu dùng ưa chuộng, đồng thời là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất dược liệu, chị Nguyễn Thị Mách - Chủ nhiệm CLB chăn nuôi thỏ xã An Châu đã đầu tư và mở rộng quy mô chăn nuôi thỏ của gia đình lên trên 300 con, trong đó có trên 50 con thỏ mẹ. Chị Mách cho biết: Bình quân mỗi tháng gia đình chị xuất bán trên 1 tạ thỏ thịt thương phẩm, trừ chi phí thu lãi từ 4-5 triệu đồng.
Mô hình nuôi thỏ của gia đình chị Mách mỗi tháng cho thu lãi 4-5 triệu đồng
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết sau khi nghỉ làm công tác Hội Phụ nữ ở xã năm 2011 chị được người bạn giới thiệu và tiếp cận với nghề nuôi thỏ. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên chị mới nuôi thử nghiệm vài đôi cùng với chăn nuôi lơn, gà…. Sau 1 thời gian chị nhận thấy nuôi thỏ dễ hơn các con vật khác nên chị tập trung vốn vào phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi thỏ với quy mô lớn. Bởi con thỏ là loài vật dễ nuôi, thức ăn cho chúng rất sẵn trong tự nhiên, có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, rau, cỏ, lá cây…; Vốn đầu tư ban đầu thấp, mỗi kg thỏ giống chỉ khoảng 60 - 70.000/kg. Chuồng trại nuôi thỏ cũng đơn giản, người chăn nuôi có thể tận dụng tre, nứa, gỗ để làm chuồng cho chúng. Nuôi thỏ sẽ có vốn quay vòng nhanh, phù hợp điều kiện chăn nuôi nông hộ. Trung bình mỗi năm, thỏ có thể đẻ 6 đến 7 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 10 con. Sau ba tháng nuôi, trọng lượng đạt 2,2 – 2,7 kg/con là đã có thể xuấi bán. Với ưu điểm thịt thơm ngon nên thỏ Newzealand được khách hàng Tỉnh Quảng Ninh và Hà nội đến tận nơi thu mua.
Nhận thấy lợi nhuận mà giống vật nuôi này đem lại, tháng 9 năm 2013, chị Mách đã vận động các hộ chăn nuôi thỏ trong xã thành lập Câu lạc bộ chăn nuôi thỏ xã An Châu do chị làm chủ nhiệm. Vốn là cán bộ hội phụ nữ lại là người năng động, dám nghĩ dám làm, sau khi đi tham quan những mô hình nuôi thỏ Newzealand thành công trong và ngoài tỉnh, chị đã có kinh nghiệm và tìm đầu ra thu mua thỏ cho gia đình và các thành viên trong Câu lạc bộ của xã. Hiện nay, CLB chăn nuôi thỏ xã An Châu có 22 thành viên tham gia, các thành viên trong CLB đã phát triển và nhân được gần 400 con thỏ nái. Đàn thỏ của các hộ trong câu lạc bộ đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài việc nâng cao chất lượng thỏ thương phẩm, hiện tại CLB đang tiếp tục nhân đàn, từng bước phát triển đàn thỏ với quy mô ngày càng lớn hơn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình hội viên.
Ông Nguyễn Cao Tường, thành viên câu lạc bộ chăn nuôi thỏ xã An Châu, nguyên là trạm trưởng trạm thú y huyện cũng rất tâm đắc với chăn nuôi thỏ. Ông Tường cho biết: vì chăn nuôi thỏ rất đơn giản lại cho hiệu quả kinh tế cao nên ngay khi về nghỉ hưu ông đã tiếp cận và tìm hiểu về kỹ thuật nuôi thỏ. Mặc dù gia đình ông mới nuôi, song từ hiệu quả của gia đình và thành công bước đầu trong chăn nuôi thỏ của gia các thành viên trong CLB đã đem lại nhiều hy vọng cho bà con nông dân trong xã. Những thành công ấy đã và đang chứng tỏ đây sẽ là một hướng làm kinh tế có triển vọng cho các hộ nuôi thỏ ở xã An Châu.
Ngoài việc cung cung thỏ thịt thương phẩm cho thị trường trong huyện, CLB chăn nuôi thỏ xã An Châu đã ký hợp đồng cung cấp thỏ với hãng dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản có Nhà máy công nghệ sinh học tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, dự kiến tháng 7-2014 sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy này chuyên sản xuất dược phẩm với nguồn nguyên liệu chiết xuất từ da thỏ trắng (giống thỏ New Zealand), công suất tiêu thụ khoang 3.800 con/ngày. Đây sẽ là một địa chỉ tin cậy và là một thị trường ổn định mở ra hướng đi mới cho những người chăn nuôi thỏ ở xã An Châu trong tương lai./.
Trần Thị Bản
Tin liên quan: