Từ việc chăn nuôi bò theo quan niệm truyền thống là tăng thêm thu nhập, giải quyết thời gian lao động nông nhàn, cày kéo,…với nhiều hộ gia đình, bây giờ đã chú trọng phát triển theo hướng hàng hóa thương phẩm: Nuôi bò nái sinh sản, bò thịt, xuất bán, tạo nguồn thu cho gia đình và nó đang mở ra hướng đi mới cho người nông dân.
 
Bắc Giang là tỉnh Trung du miền núi có điều kiện thời tiết, khí hậu tương đối ôn hoà, nguồn thức ăn dồi dào từ phụ phẩm nông nghiệp, cây cỏ từ đồng ruộng, đồi núi…phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò theo quy mô lớn. Từ xưa tới nay, người dân chỉ chăn nuôi theo kinh nghiệm, chưa biết áp dụng những phương pháp khoa học, mỗi gia đình chỉ nuôi một vài con, chủ yếu để lấy sức kéo, hầu hết là giống bò cỏ địa phương nên giá trị kinh tế thấp. Từ năm 2001, khi có Chương trình Sind hoá đàn bò, được Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Bắc Giang cấp phát tinh bò giống và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế thì nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư và đạt được hiệu quả kinh tế cao.
 
Ông Vũ Thế Sự - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên cho biết: Toàn xã có tổng số 1815 hộ dân thì hầu hết nhà nào cùng nuôi bò, tổng đàn bò trên 1500 con. Có đến gần 80 hộ nuôi từ 3 con bò trở lên với tổng số gần 280 con, trong đó không ít hộ nuôi từ 7-10 con. Xã đang xây dựng đề án phát triển đàn bò lai thương phẩm. Tuy nhiên, để phát triển mô hình này thì vấn đề giống có vai trò quyết định, trong đó việc nâng cao tỷ lệ bò lai, nhất là với các giống bò lai theo hướng chuyên thịt, là giải pháp thiết thực, được chúng tôi đề cập trong đề án. Bên cạnh đó, UBND xã vận động các hộ chăn nuôi bò có vườn tạp, chân ruộng vàn cao không hiệu quả chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi bò.
 
Điển hình như hộ ông Nguyễn Xuân Cường thôn Tân Lập (Ngọc Lý) nuôi 7 con, ông cho biết: Gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, đầu tư giống có chất lượng (bò lai Sind), chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ truyền thống sang hình thức bán công nghiệp, ngoài cho bò ăn thức ăn truyền thống (cỏ, rơm…) còn bổ sung thêm các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như cỏ VA06, lá ngô, cám... nên đàn bò sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt, quan trọng là tiêm phòng định kỳ để phòng tránh dịch bệnh, nên hiệu quả tăng rõ rệt. Bình quân mỗi con bò cái đẻ mỗi năm 1 lứa, mỗi con trừ chi phí cũng thu về chục triệu đồng. Tại thôn Sỏi Làng (Ngọc Lý, Tân Yên) còn có gia đình anh Nguyễn Văn Dĩnh theo nghề nuôi bò thịt hơn 3 năm nay, Anh Dĩnh cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng như những gia đình khác ở đây, chỉ chăn thả 1 đến 2 con bò vừa là để lấy sức cày kéo, vừa để bán. Nhưng mấy năm nay nuôi bò có hiệu quả giá cả lại cao và ốn định, bò ít mắc bệnh, do đó tôi chuyến sang nuôi bò vỗ béo”. Trong chuồng lúc nào cũng nuôi từ 7-10 con bò, cứ 2 tháng lại xuất bán, bình quân mỗi năm bán 3 - 4 đợt, gia đình anh Dĩnh thu trên 100 triệu đồng từ nuôi bò thịt vỗ béo.
 
Ảnh minh họa
 
Nuôi bò ở Ngọc Lý đang là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Vấn đề đặt ra đó là làm sao để phát triển được giống bò thịt chất lượng tốt, nâng cao tỷ lệ bò lai để tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi. Người nông dân rất cần có sự tư vấn, hỗ trợ về nuôi bò đực giống, tinh bò, phương pháp phối giống. Đưa các giống bò mới có chất lượng cao vào sản xuất và có chính sách cho vay vốn chăn nuôi bò, tiến tới xây dựng Ngọc Lý là xã trọng điểm về chăn nuôi bò, từ đó có cơ sở để nhân rộng.
 
Về vấn đề cải tạo đàn bò trong toàn tỉnh, từ năm 2001 thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò, bằng nguồn kinh phí của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông –Khuyến ngư Bắc Giang đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò ở địa phương và áp dụng tiến bộ khoa học vào sinh sản, giúp người dân chủ động cải tạo được giống, từng bước nâng cao chất lượng trong chăn nuôi, mở ra hướng chăn nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Mỗi năm, Trung tâm đã cấp phát được khoảng 10.000 liều tinh cọng rạ cho dẫn tinh viên phối giống cho bò cái. Tỷ lệ bò cái có chửa mỗi năm đạt khoảng 70-75%. Bên cạnh việc cải tạo đàn bò bằng cách thụ tinh nhân tạo, cũng từ nguồn kinh phí trên năm 2009, Trung tâm đã mua 23 con bò đực giống lai Sind tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao tiến bộ công nghệ chăn nuôi Thái Sinh và hỗ trợ cho 23 hộ nông dân của 5 huyện trong tỉnh. Mỗi con bò đực giống có giá khoảng 20 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ 60% đối với vùng đặc biệt khó khăn và hỗ trợ 30% đối với vùng trung du còn lại là hộ nông dân đóng góp. Hộ được nhận hỗ trợ có trách nhiệm chăm sóc bò đực giống đến khi đạt tiêu chuẩn ngoài việc phối giống cho đàn bò của gia đình thì còn phối giống cho đàn bò của những hộ chăn nuôi khác.
 
Năm 2010, Trung tâm đã triển khai mô hình với số lượng 30 con cho 30 hộ dân của 7 huyện nhằm từng bước tăng về số lượng và chất lượng đàn bò. Trong những năm qua, Trung tâm đã đào tạo được đội ngũ dẫn tinh viên để thực hiện chương trình cải tạo đàn bò. Hiện nay toàn tỉnh có 45 dẫn tinh viên đang thực hiện rất tốt công tác thụ tinh nhân tạo. Hàng năm Trạm Khuyến nông các huyện mở lớp tập huấn cho người chăn nuôi biết cách nhận biết một số giống bò lai, phát hiện bò động dục, chăm sóc bò có chửa và bê sơ sinh đến trưởng thành và hướng dẫn cách tính toán hiệu quả kinh tế khi chăn nuôi bò lai và hướng phát triển đàn bò.
 
Trong điều kiện ngành chăn nuôi đang gặp một số khó khăn như dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn, dịch cúm gia cầm trên đàn gia cầm, thủy cầm, việc ngành nông nghiệp Bắc Giang xác định bò là một trong những con chủ lực để phát triển chăn nuôi hàng hoá và đang chú trọng cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò là hướng đi đúng, góp phần giúp người dân nắm vững phương pháp chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăn nuôi mà còn tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân./.
 
Trần Phượng