Sản phẩm khăn trải bàn bằng mành tăm của Công ty TNHH một thành viên Mây tre Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) hiện xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới và được khách hàng đánh giá cao.
 
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Mây tre Tăng Tiến kiểm tra sản phẩm trước khi đóng gói.
 
 
 
Trước kia, sản phẩm chủ lực của Công ty TNHH một thành viên Mây tre Tăng Tiến là các loại rổ, rá... Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhận thấy việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng này hiệu quả không cao nên Công ty chuyển sang làm các sản phẩm từ mành tăm như: Khăn trải bàn, rèm...
 
 
 
Trụ sở được xây dựng tại trung tâm làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, do đó để phát huy lợi thế nguồn nhân lực sẵn có, doanh nghiệp đã mở nhiều lớp dạy nghề chẻ tăm lụa, đồng thời cam kết thu mua sản phẩm của các hộ dân. Nhờ vậy, nguồn nguyên liệu sản xuất mành tăm của Công ty luôn bảo đảm. Từ việc bao tiêu sản phẩm, DN đã tạo việc làm cho nhiều lao động làng nghề.
 
 
 
Sau khi thu mua tăm tre, Công ty TNHH một thành viên Mây tre Tăng Tiến nhuộm màu theo yêu cầu của khách hàng rồi phơi khô, đưa vào máy dệt. Để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, Công ty liên tục thay đổi mẫu hoa văn, họa tiết trên mành tăm sao cho tinh tế, sắc nét.
 
 
 
Do giá thành cao hơn nhiều so với khăn trải bàn làm bằng chất liệu khác nên sản phẩm khăn trải bàn bằng mành tăm hiện chưa tiêu thụ được ở trong nước. Tuy nhiên, tại các nước phát triển, sản phẩm rất được ưa chuộng bởi khăn có nguồn gốc hữu cơ, khi bỏ đi rất dễ phân hủy và không tác động xấu đến môi trường.
 
 
 
Ông Đinh Văn Tỉnh, Giám đốc Công ty cho biết, hiện 100% mặt hàng khăn trải bàn bằng mành tăm của đơn vị được xuất khẩu sang các nước: Hàn Quốc, Canada, Italia, Pháp, Anh, Peru... và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí doanh nghiệp đã phải từ chối nhiều đơn đặt hàng do không sản xuất kịp.
 
 
 
Giá bán các loại khăn trải bàn bằng mành tăm khoảng 100 nghìn đồng/m2. Công ty tạo việc làm cho hơn 50 lao động trong xã và một số xã lân cận với thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
 
 
 
Văn Bằng