Hợp tác xã Hoàng Lan ở thôn Tân Minh, xã Ngọc Châu (Tân Yên) là nơi tập hợp những thanh niên nông thôn cùng phát triển kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Để ghi nhận những đóng góp đó, Phạm Văn Thưởng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoàng Lan là 1 trong 150 thanh niên nông thôn được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ X năm 2015.
 
Tốt nghiệp THPT, Phạm Văn Thưởng (SN 1987), thôn Tân Minh, xã Ngọc Châu (Tân Yên) làm nghề thu mua rau sạch ở thành phố Hồ Chí Minh ba năm liền. Sau đó, anh Thưởng lên Tây Nguyên làm rẫy, tích lũy vốn liếng anh trở về quê hương phát triển kinh tế. Lúc đầu, anh xin vào làm tại trại thỏ Tân Tiến (TP. Bắc Giang) nhằm học hỏi khoa học kỹ thuật, tìm hiểu về nghề chăn nuôi thỏ. Tích lũy được kinh nghiệm anh mạnh dạn vay hơn 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập Hợp tác xã Hoàng Lan. Hợp tác xã đi vào hoạt động từ tháng 10/2014 đến nay, thu hút 7 thanh niên cùng tham gia và 4 gia đình thành viên liên kết đóng tại địa bàn các xã, huyện khác. Hợp tác xã tham gia trong lĩnh vực sản xuất, thu mua thỏ thương phẩm, bò thịt, gà ác, đồng thời bao tiêu sản phẩm nông nghiệp vụ đông và cung cấp vật tư nông nghiệp. Những ngày đầu, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm nên hơn 50 cặp thỏ chết đồng loạt sau nhập về được một tuần, thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Nguyên nhân do vận chuyển từ trại giống về khu chuồng trại của hợp tác xã chưa đúng phương pháp, thỏ con chưa thích ứng được với môi trường sống mới, điều kiện chăm sóc chưa phù hợp, nhất là vào mùa đông và mùa hè. Thất bại nhiều lần, thua lỗ đáng kể nhưng nhóm thanh niên trẻ đã không nản lòng. Hợp tác xã tiếp tục nhập mới thỏ giống với giá 120-150 nghìn đồng/một đôi, từ đó nỗ lực không ngừng phát triển số lượng, chất lượng đàn. Thỏ, bò và gà là loài vật không khó chăm sóc, số vốn đầu tư ít, công chăm sóc không đáng kể, nuôi thỏ chỉ cần một lượng nhỏ thức ăn tinh và chủ yếu là thức ăn xanh như cỏ voi, cỏ ngọt, rau lang, xuyến chi. Đến nay, số lượng vật nuôi trong khu trại dao động từ 500 - 1000 con thỏ, 40 - 60 con gà ác, 10 - 20 con bò. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế mang lại của mô hình chăn nuôi này đã mang lại cho hợp tác xã khoảng 600 triệu đồng/năm. Anh Phạm Văn Thưởng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoàng Lan chia sẻ kinh nghiệm: “Khi mới nhập thỏ con về mùa đông, mùa hè, hoặc chuyển mùa thì vật nuôi rất hay bị cảm nóng, bệnh cầu trùng. Để vật nuôi sinh trưởng tốt, bà con nên ứng dụng hệ thống phun sương trên mái; sử dụng các chế phẩm sinh học, trồng cây dây leo che mát…”.
 
Ngoài các thành viên, hợp tác xã còn liên kết với một số trang trại khác, hỗ trợ về vốn, giống, khoa học kỹ thuật và giới thiệu đầu ra sản phẩm. Điển hình như gia đình anh Dương Văn Hiệu cùng thôn cũng là một trong số các hộ được các thanh niên của hợp tác xã hỗ trợ liên kết mô hình chăn nuôi. Hiện nay, trong chuồng nhà anh Hiệu có khoảng 10 bò thương phẩm. Anh Hiệu được hợp tác xã hỗ trợ vốn, giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò. Anh Ngô Tân Cương, Bí thư Đoàn xã Tân Minh (Tân Yên cho biết: “Hợp tác xã Hoàng Lan là mô hình tập hợp, giúp đỡ thanh niên phát triển kinh tế có hiệu quả. Chúng tôi hỗ trợ vốn để các mô hình như thế này hoạt động để thanh niên nông thôn có việc làm và có thể làm giàu trên quê hương”.
 
Thời gian tới, Hợp tác xã có dự định mở rộng diện tích chuồng nuôi, nhập thêm các giống cây, con như ổi Đông Dư, chanh đào, bưởi Diễn, mít Thái Lan diện tích khoảng 5 sào. Hợp tác xã đã góp phần phát triên kinh tế, trở thành mô hình tập hợp thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình./.
 
Nguyễn Mai