Đầu năm 2014, rời quân ngũ với quân hàm đại tá, cư trú tại TP Bắc Ninh, đã có lúc ông bằng lòng với mình để sống cùng bè bạn nơi đất khách, ngặt nỗi ông không sao quên được nơi rừng cao núi thẳm quê mình. Nỗi nhớ ngày một lớn, rồi ông bàn với vợ bán nhà về quê - thôn Chủa, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động (Bắc Giang). Người chúng tôi nói đến là Đại tá Nguyễn Đức Minh, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh), Chủ nhiệm “Hợp tác xã Ong mật hữu cơ Sơn Động”. "Hội nhập" với... quê Cuộc sống và nếp sinh hoạt của người cao tuổi vốn yên bình lại càng bình lặng ở xã miền núi vùng cao nơi gia đình Đại tá Nguyễn Đức Minh sống. Ông hiểu rằng, môi trường này được vui vầy cùng con cháu là ao ước với nhiều người cao tuổi như ông. Cuộc sống cứ thế trôi. Ngày qua ngày, ông cùng mấy bạn già hàng xóm chơi cờ tướng, hôm lại đàm đạo cả buổi bên bàn trà hay nhắc mấy cháu học bài, đưa đón chúng đi học, rồi cỗ bàn hiếu hỷ… Điệp khúc ấy lặp đi lặp lại khiến nhiều lúc ông cảm thấy nhàm chán. Quyết tâm về quê lớn là vậy. Vậy mà mới được một thời gian, đôi lúc ông chạnh lòng nhớ nếp sinh hoạt của thời quân ngũ hay cuộc sống ồn ào nơi đô thị Bắc Ninh. Tâm tính của người có tuổi thật lạ. Khi ở thành phố thì muốn về nơi yên tĩnh để dưỡng già. Nhưng khi đã sống ở quê, sự nhàn hạ quá đỗi lại khiến lòng nao nao nhớ phố. Và tinh thần của người lính trong ông được "đánh thức" khi cuộc “cách mạng” phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng xã điểm nông thôn mới đầu tiên của huyện vào năm 2015 ở xã Tuấn Đạo được triển khai với hàng loạt công việc. Ông như bị cuốn vào phong trào đó. Mặc dù không tham gia công tác gì ở thôn nhưng từ chuyện dồn điền đổi thửa đến giải phóng mặt bằng, vận động người dân hiến đất xây dựng công trình công cộng của làng, của xã ông đều có mặt. Rồi những vấn đề lớn như sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thu hút đầu tư công nghiệp vào địa bàn để giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho xã... ông đều được lãnh đạo địa phương mời tham gia ý kiến với tư cách đảng viên nhiều tuổi Đảng, cán bộ cấp cao trong quân đội, người có uy tín với xóm làng. Ban đầu ông tỏ ra e ngại vì xa địa phương đã lâu, sợ góp ý không trúng lại mang tiếng. Song ông lại nghĩ, các đồng chí tìm đến mình, đặt niềm tin nơi mình, khả năng mình có thể giúp gì cho địa phương thì phải hết lòng. Đó vừa là bổn phận, trách nhiệm với quê hương, vừa là tư tưởng, phẩm chất của người lính Cụ Hồ mà ông không thể thoái thác. Khởi nghiệp lúc xế chiều Là người sinh ra, lớn lên nơi đất này nên Đại tá Nguyễn Đức Minh thông hiểu như lòng bàn tay. Sơn Động với diện tích tự nhiên phần lớn là rừng, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên, độ che phủ lớn, hệ thực vật đa dạng, nguồn hoa phong phú, là tiềm năng cho phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Thực tế, nghề nuôi ong đang phát đạt, mật ong được coi là một trong những đặc sản của huyện song một vấn đề đang đặt ra là sản phẩm làm ra, bán trên thị trường nhỏ lẻ, tự phát. Do mối liên kết thương nhân- nông dân chưa bền chặt khiến giá cả, thu nhập của nông dân bấp bênh. Trong khi đó Tuấn Đạo là xã có số hộ nuôi ong lớn nhất huyện, sản lượng mật hàng năm hàng chục tấn. Ưu điểm của mật ong Tuấn Đạo là nguyên chất, được tạo ra từ hoa rừng, không bị pha tạp song khi bán trên thị trường trôi nổi, lẫn mã với những loại mật khác nên thường bị tư thương ép giá. Nghề nuôi ong ở đây dù đã có từ bao năm song vẫn phập phù chưa có cơ hội phát triển. Không lẽ cứ để một sản phẩm nổi tiếng của quê mình, thứ “lộc” quý hiếm của rừng bế tắc trong khi chủ trương xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa đang được từ xã đến huyện khuyến khích. Tháng 6-2014, Đại tá Nguyễn Đức Minh quyết định thành lập một cơ sở có tư cách pháp nhân để chắp cánh cho sản phầm này lấy tên là “Hợp tác xã Ong mật hữu cơ Sơn Động”. Hợp tác xã do ông làm Chủ nhiệm có 29 thành viên là những hộ nuôi ong có kinh nghiệm trên địa bàn xã. Ông kỳ vọng nhiều ở mô hình này với mục tiêu tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ mật ong không chỉ ở xã mà còn của cả huyện. Sản xuất bài bản, theo quy trình khoa học nhằm tạo ra một dòng sản phẩm mật nguyên chất từ ong rừng sạch, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu. Sự ra đời của hợp tác xã (HTX) nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền, đặc biệt là UBND huyện và tâm sức của người cựu binh đã được đền đáp. Ngay năm đầu thành lập, HTX thu về hàng chục tấn mật, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thu hết đến đó với giá từ 130 đến 180 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho xã viên. Có một tin vui là nhằm giúp HTX nói riêng, người nuôi ong trong huyện nói chung phát triển bền vững, UBND huyện đã tích cực triển khai các thủ tục đăng ký và cuối tháng 12-2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong rừng Sơn Động”. Vậy là khởi nghiệp khi tuổi "xế chiều”, mong muốn của ông và các hộ nuôi ong đã trở thành hiện thực. Nhớ ngày đầu thành lập, đã có nhiều ý kiến lo lắng cho tương lai của HTX song ông luôn có niềm tin vào con đường đã chọn bởi khi thành công chắc chắn sẽ giúp được bà con yên tâm sản xuất để có thu nhập tốt, từng bước thoát nghèo, làm giàu. Giữ vững thương hiệu “Mật ong rừng Sơn Động” Từ nhiều năm nay, ong lấy mật trên địa bàn huyện Sơn Động là ong rừng được nhân đàn theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống. Các hộ nuôi đều biết cách nhân đàn để mở rộng quy mô, có hộ nuôi đến hàng trăm đàn. Điển hình như hộ ông Phùn A Mủn, thôn Nghẽo, xã Tuấn Đạo. Hay hộ ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Chao, xã An Lập... mỗi năm có nguồn thu từ 150 đến 300 triệu đồng từ bán mật. Từ kinh nghiệm trong dân, kết hợp kiến thức trong sách vở, rồi tài liệu tại các cuộc hội thảo nuôi ong do Hội nuôi ong Việt Nam tổ chức, ông cùng các thành viên HTX nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi ong lấy mật phù hợp với điều kiện địa phương. Xã viên thực hiện nghiêm ngặt theo nguyên tắc chỉ thu hoạch khi mật đã đủ độ già để bảo đảm chất lượng sản phẩm, vào mùa ít hoa thì không khai thác mật và đây cũng là biện pháp để giữ vững thương hiệu "Mật ong rừng Sơn Động". Trên địa bàn huyện Sơn Động, ngoài xã Tuấn Đạo, ở các xã khác như: An Lạc, Thanh Luận, Giáo Liêm, Cẩm Đàn, Yên Định, An Lập… có rất nhiều hộ nuôi ong. Hiện toàn huyện có trên 8000 đàn ong, sản lượng mật hàng năm đạt từ 180 đến hơn 200 tấn. Đây là thuận lợi lớn để HTX đủ sức tham gia vào thị trường mật ong toàn quốc. Việc thương hiệu “Mật ong rừng Sơn Động” chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận đã mở ra triển vọng mới cho một loại hàng hóa đặc sản của huyện bay xa, trong đó HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động và bản thân ông Minh là người góp công đầu. Hiện có rất nhiều hộ nuôi ong ở các địa phương trong huyện muốn tham gia HTX. Một sự khởi đầu mới cho sản phẩm đặc sản của vùng cao Sơn Động hứa hẹn nhiều thành công. Nguồn: báo bắc giang