Khoảng 15 năm trước, họ chỉ là những nông dân hằng ngày một nắng hai sương trên đồng ruộng với ước mong được ăn no, mặc ấm. Thế nhưng nhờ năng động, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều người đã trở thành tỷ phú.
Nuôi lợn thu tiền tỷ
Công việc đang thuận lợi thì năm 2004, gia đình anh bị thua lỗ phải bán cả nhà cửa, vườn, xe để trả nợ. Được gia đình động viên, bạn bè giúp đỡ về vốn và quyết tâm của bản thân, năm 2005, anh Hùng tiếp tục mở các điểm cân để thu mua vải thiều và công việc dần ổn định. Anh tâm sự: “15 năm tham gia tiêu thụ nông sản, tôi rút ra một điều, muốn làm ăn bền chặt với các đối tác nước ngoài thì điều quan trọng nhất là chữ tín. Phải bảo đảm chất lượng, thời gian giao hàng đúng theo hợp đồng, đừng mang hàng loại 2 thay cho loại 1, chỉ cần một lần bất tín sẽ khiến vạn lần mất tin. Thà lãi ít mà bền lâu còn hơn là ăn sổi rồi sập tiệm”. Với phương châm như vậy, anh Hùng thường trực tiếp có mặt tại các điểm cân để kiểm tra các loại nông sản trước khi đóng gói.
Ở thôn Khánh Giàng, xã Ngọc Châu (Tân Yên), ai cũng biết người nông dân làm kinh tế giỏi Lương Văn Thái. Quê gốc ở tỉnh Hưng Yên, năm 1997, sau chuyến đi thăm người thân ở xã Ngọc Châu, nhận thấy địa thế khu vực thôn Khánh Giàng rất thuận lợi cho chăn nuôi trang trại, Vợ chồng ông Thái quyết định nhờ người quen mua giúp hơn 4 mẫu đất để trồng vải thiều, nhãn.
Đồng thời xây dựng một dãy chuồng nhỏ để chăn nuôi lợn, gà và đào hơn một mẫu ao thả cá. Vừa làm vừa đầu tư cải tạo đất vườn, nguồn nước, kè bờ ao, xây dựng hệ thống chuồng trại, đến nay mô hình VAC của gia đình ông Thái đã cơ bản thành hình. Hiện ông có hệ thống 4 khu chuồng chăn nuôi với hơn 60 con lợn nái, 600 con lợn thịt, hơn một mẫu ao được xây bờ cẩn thận và khoảng 100 cây nhãn đang cho thu hoạch.
Ông Thái cho biết: “Để có hệ thống chuồng trại khép kín như hiện nay, bên cạnh tự tìm hiểu, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ một số mô hình chăn nuôi lớn ở Hải Dương, Hà Nội. Khu vực nuôi lợn, tôi chia thành 4 dãy chuồng để tiện cho việc chăm sóc. Bởi mặc dù nhiệt độ chuồng được điều tiết bằng hệ thống làm mát hơi nước, quạt công nghiệp nhưng ở mỗi thời điểm, lợn cần nhiệt độ khác nhau để sinh trưởng tốt.
Cùng đó, nhằm hạn chế dịch bệnh cho lợn, cá, ngoài bảo đảm vệ sinh chuồng trại, gia đình tôi luôn chú trọng tiêm, rắc thuốc chống dịch đúng thời gian. Nhờ vậy, nhiều năm nay đàn lợn, cá của gia đình được bảo vệ an toàn”. Hiện mỗi năm gia đình ông Thái xuất khoảng 120 tấn thịt lợn, 12 tấn cá, doanh thu hơn 6 tỷ đồng. Nhằm mở rộng trang trại, ông mua thêm hơn 3 mẫu đất cũng tại xã Ngọc Châu (Tân Yên) và dự kiến sẽ đầu tư xây dựng chuồng trại trong thời gian tới.
Chung tay tiêu thụ nông sản
Sinh ra tại vùng trọng điểm cây ăn quả của tỉnh nên ngay từ nhỏ, anh Đinh Văn Hùng, thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) đã thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân mỗi khi đến mùa tiêu thụ nông sản. Năm 2001, sau một thời gian làm thuê cho ông chủ chuyên thu mua vải thiều ở tỉnh Lào Cai, anh Hùng mạnh dạn tự mình hợp tác với thương nhân người Trung Quốc mở điểm cân ở huyện Lục Ngạn để thu mua một số nông sản, chủ yếu là vải thiều, sắn khô. Thời kỳ đầu, vốn chưa nhiều nên mỗi vụ anh chỉ thu mua vài chục tấn để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện mỗi năm, gia đình anh Hùng xuất khẩu hơn 4 nghìn tấn vải thiều tươi, gần 10 nghìn tấn sắn khô, 10 nghìn tấn xoài sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn. Trong đó, vải thiều và sắn khô chủ yếu thu mua ngay tại Lục Ngạn, còn xoài thu mua ở miền Nam. Tổng doanh thu hằng năm đạt khoảng 200 tỷ đồng, lãi hơn 1 tỷ đồng. Anh Hùng đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để ký kết hợp đồng xuất khẩu một số nông sản khác của tỉnh như: Dứa Lục Nam, nhãn Lục Ngạn trong thời gian tới.
Phát triển kinh tế rừng
Anh Khúc Văn Nhật khai thác măng tre
Sau khi lập gia đình, anh Khúc Văn Nhật, thôn Tam Hiệp, xã An Lập (Sơn Động) đưa vợ, con vào khu vực rừng sâu cách xa khu dân cư lập nghiệp. Ban đầu, gia đình anh có 10 ha đất nhưng chủ yếu là cây dại không có giá trị. Sau 15 năm không ngừng học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng rừng hiệu quả khác, anh đã biến mảnh đất cằn cỗi ban đầu thành rừng cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình anh sở hữu hơn 30 ha rừng trồng các loại cây thông, keo, bạch đàn, măng tre bát độ, tổng giá trị hiện đạt hơn 3 tỷ đồng.
Không chỉ phát triển rừng, anh Nhật còn mua ô tô làm dịch vụ vận tải, đáp ứng nhu cầu khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng của các hộ dân trên địa bàn; xây dựng và kinh doanh phòng trọ phục vụ chỗ ở của nhiều học sinh THPT sống xa nhà trên địa bàn. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động thời vụ trong thôn thường xuyên phát dọn, chăm sóc rừng, thu hái măng bát độ với thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày.
Anh Nhật chia sẻ: “Tôi sẽ tiếp tục đầu tư, thường xuyên học hỏi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăm sóc, nhất là phát triển cây gỗ lớn để nâng cao chất lượng, hiệu quả diện tích rừng hiện có, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân trong vùng”.
Nguồn: Báo Bắc Giang
Tin liên quan: