Nhắc đến hộ làm kinh tế giỏi ở thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, người dân địa phương không ai là không biết đến địa chỉ của gia đình ông Bùi Mạnh Triển. Với trang trại quy mô rộng hơn 3 ha trồng cam Canh, cam Vinh, hiện trang trại của gia đình ông cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Vào thăm trang trại trồng cây ăn quả của gia đình ông Triển, chúng tôi dường như bị cuấn vào bạt ngàn những gốc cam Canh, cam Vinh thẳng tắp, đều đặn được gia đình ông dày công chăm sóc. Hiện nay, trang trại của gia đình ông trồng khoảng trên 3.000 gốc cam Canh và cam Vinh cho quả đều đặn mỗi năm.
Chia sẻ về quá trình làm vườn, ông Triển cho biết, trước đây trang trại không đẹp như bây giờ, toàn bộ diện tích này ông trồng vải thiều. Tuy nhiên, giá vải thường thấp, hay bị thương lái ép giá, thời gian thu hoạch ngắn lên giá trị kinh tế cũng thấp. Với mục đích quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, có sẵn ít vốn, vợ chồng ông mạnh dạn vay mượn thêm bạn bè, họ hàng để bắt đầu lập nghiệp với cây cam canh, cam vinh. Những năm đầu, do chưa nắm chắc kỹ thuật trồng, gần 1.000 gốc cam đầu tiên của ông đậu quả ít, năng suất thấp, lợi nhuận không cao. Tuy nhiên, không nản chí, ông tiếp tục tìm cây giống, đồng thời thuê chuyên gia kỹ thuật về hướng dẫn cách trồng, vun xới cho khu vườn. Nhờ sự kiên trì và chịu khó, năm thứ ba, gia đình ông thu được hàng chục tấn cam Canh, cam Vinh bán tại vườn với giá 40.000 đồng/kg, cho thu về trên 600 triệu đồng. Năm 2012, nhận thấy cây cam Canh đem lại giá trị kinh tế cao, ông tiếp tục lấy nguồn lãi từ việc bán cam đầu tư thuê thêm 2 ha đất để ươm cây giống và mở rộng diện tích trồng cam. Đến nay, diện tích cam đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo thời gian, nhờ tích lũy kinh nghiệm, trồng đúng kỹ thuật, vườn cam Canh, cam Vinh của gia đình ông cho năng suất ngày một cao hơn, những cây trồng lâu năm có thể cho 120 kg quả/cây. Năm nay, gia đình ông dự kiến thu gần 30 tấn quả, với giá bán khoảng 40.000đồng/kg, cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm. Ông cho biết thêm thời gian thu hoạch cam kéo dài khoảng hơn 1 tháng nên rất chủ động. Cam chín đến đâu thu đến đó, các thương lái từ Hưng Yên, Hà Tây đến tận vườn thu mua nên không lo lắng về đầu ra.
Chia sẻ về cách trồng cam Canh cho năng suất cao, ông Triển cho biết: Cam đường Canh là loại cây "khó tính", đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc đặc biệt hơn so với các loại cây ăn quả khác nên không chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần mà cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Để sản xuất cam Canh đạt hiệu quả, ông Triển áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc: từ việc làm đất tạo bầu cho cây, chế độ phân bón, đến việc phòng trừ sâu bệnh đều phải thực hiện đúng kỹ thuật. Theo ông Triển, cam là loại cây trồng rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh, nên đòi hỏi người trồng phải có sự đầu tư cao, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và bảo vệ. Cây cam Canh phù hợp với chân ruộng cao, thoát nước tốt, đất được cày ải, phơi nắng rồi lên đất thành từng luống. Khi trồng cây, sử dụng phân chuồng hoai mục, gio và ngô hoặc đỗ tương nghiền làm phân bón lót để tăng độ bền cho cây. Để lấy quả, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 dương lịch, khi thấy lộc cây cam chuyển màu bánh tẻ, ông tiến hành đảo cây, bằng cách nhấc cả bầu cây lên mặt luống, phơi cho đất ải trắng thì hạ bầu cây trở lại hốc, lấp đất và bắt đầu bón thúc. Sau khi đảo rễ 2 tháng, cây bắt đầu phân hóa mầm hoa. Đến tháng 11-12 dương lịch thì cam cho thu hoạch. Để cam Canh có chất lượng quả ngon, ông Triển phải tiến hành khoanh vỏ hãm cây để giữ quả. Thời điểm khoanh vỏ là khi cánh hoa bắt đầu rụng và nhú quả non bằng hạt đỗ; khi quả bắt đầu rụng sinh lý và khi cây chuẩn bị phát lộc. Ông dùng dao sắc tiện khoanh tròn lớp vỏ các cành cấp 1, sau 10 ngày thì dùng nylon băng kín vết khoanh. Bên cạnh đó, gia đình ông còn thường xuyên phổ biến kỹ thuật trồng cam Canh, cam Vinh cho nhiều bà con trong vùng, tạo điều kiện cho các hộ dân trong và ngoài huyện đến tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm làm giàu.
khuyennongvn.gov.vn
Tin liên quan: