6 năm qua, Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản thôn Cầu Thầy, xã An Thượng, huyện Yên Thế (Bắc Giang) giúp các thành viên nắm vững kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng làm giàu cho nhiều hộ dân.
 
Trước đây, nhiều hộ nuôi thủy sản trong thôn bị thiệt hại lớn do chưa có kinh nghiệm chăm sóc; sản xuất mang tính tự phát, thiếu sự liên kết nên kém hiệu quả. Khắc phục tình trạng trên, năm 2010, 20 hộ dân trong thôn đã họp bàn và thống nhất thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. 
 
Anh Trần Quang Huấn, thành viên Tổ hợp tác nói: “Năm 2008, cá trong hơn 1 mẫu ao của gia đình tôi bị chết do không biết cách phòng bệnh kịp thời. Năm 2011, tôi tham gia Tổ hợp tác, được các thành viên nhiệt tình hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm. Bình quân mỗi năm gia đình thu hoạch hai vụ, lãi hơn 100 triệu đồng”.
 
 

 
Để giúp các thành viên sản xuất hiệu quả, vai trò Tổ hợp tác được nâng lên. Tổ đề ra quy chế hoạt động và nghiêm túc thực hiện như: Lựa chọn nuôi các giống cá chất lượng cao, phù hợp với nguồn nước; cử thành viên tham gia tập huấn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. 
 
Tổ thường xuyên theo dõi, phòng dịch định kỳ giúp hạn chế rủi ro, tạo nguồn sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường. Hoạt động theo hình thức liên kết nên các thành viên dễ dàng có nguồn cung ứng con giống, vật tư bảo đảm chất lượng, đồng thời bán sản phẩm không bị ép cấp, ép giá. 
 
Hiện nay, Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản có 25 thành viên. Theo Tổ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhờ hợp tác sản xuất nên các thành viên đều có thu nhập khá, bình quân mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng/hộ. 
 
Để nhân rộng mô hình này, Ban lãnh đạo thôn đang chỉ đạo chuyển đổi, cải tạo vùng đất trũng thành ao nuôi cá; lựa chọn liên kết với doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi có uy tín, chất lượng nhằm giảm chi phí đầu vào cũng như bảo đảm vệ sinh thủy sản. 
 
 Theo BGĐT