Những năm qua, nông nghiệp, nông thôn Bắc Giang đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một nền sản xuất nhỏ lẻ đã và đang hình thành những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Đóng góp vào những thành công của ngành nông nghiệp Bắc Giang hôm nay không thể không nhắc tới vai trò của các doanh nghiệp trong việc đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhờ đó, người dân từng bước được tiếp cận với cách thức tổ chức sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập.
Gắn kết “hai nhà”
Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản là nền tảng góp phần cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Tại tỉnh Bắc Giang mối liên kết này ngày càng được tăng cường, có sự quy hoạch đồng bộ và mang lại những hiệu quả rõ nét. Hiện tại, có khoảng 30 doanh nghiệp đầu tư về nông thôn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, với giá trị hợp đồng thu mua nông sản lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Các loại nông sản liên kết sản xuất gồm: Khoai tây, dưa chuột bao tử, ngô ngọt, cà chua bi; gấc; chè sạch; rau cần; hạt giống lúa lai, lúa Nhật... với diện tích khoảng 2 - 3 nghìn ha mỗi năm.
Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Nông (Công ty Tân Nông), trụ sở tại thành phố Bắc Giang được người dân ở nhiều huyện trong tỉnh xem là bạn của nhà nông. Từ năm 2011 đến nay, công ty liên kết với nông dân trong tỉnh trồng khoai tây chế biến Atlantic xuất khẩu, hình thành những vùng sản xuất tập trung với diện tích từ 10 - 30ha/cánh đồng. Ông Hà Văn Hiền, Giám đốc Công ty Tân Nông cho biết: “Sản xuất khoai tây chế biến xuất khẩu đòi hỏi tuân thủ đúng quy trình, củ bảo đảm kích cỡ, sạch bệnh nên trước mỗi vụ, doanh nghiệp cung ứng trước giống, phân bón, cử cán bộ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm thời gian cách ly và cùng thu hoạch”. Nhờ vậy, từ vài chục ha khoai tây ban đầu, đến nay công ty mở rộng quy mô liên kết sản xuất lên gần 200ha, tập trung ở các huyện: Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Sơn Động; sản phẩm tạo ra có độ đồng đều cao, đảm bảo sạch bệnh, ít bị nứt vỏ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Mỗi năm, công ty thu mua 5.000 tấn củ, trong đó có 500 tấn xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Tìm hiểu tại huyện Tân Yên được biết, nhiều năm nay, Công ty Tân Nông liên kết với nông dân trồng 60ha khoai tây chế biến xuất khẩu mỗi năm ở các xã: Phúc Sơn, Đại Hóa, Quang Tiến, Lan Giới… Điển hình như thôn Trám, xã Phúc Sơn trồng 30ha khoai tây chế biến ở cánh đồng mẫu, mỗi ha nông dân thu hoạch 20 tấn củ, lãi 50 - 60 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thơm, thôn Trám nói: “Được Công ty Tân Nông ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên vụ đông năm ngoái tôi thuê 10ha ruộng trồng khoai tây, lãi gần 500 triệu đồng. Năm nay tôi tiếp tục duy trì diện tích này”. Ngoài ông Thơm, nhiều hộ dân khác ở thôn Trám trồng khoai tây cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ. Ở huyện Tân Yên còn một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Giang Nam (Hà Nội), Công ty cổ phần Công nghệ cao (Hải Phòng), Công ty Đại Dương Hà Nội ký hợp đồng với nông dân các xã: Việt Ngọc, Ngọc Thiện, Phúc Sơn sản xuất hơn 60ha hạt lai. Các doanh nghiệp đều cung ứng trước toàn bộ hạt giống, cử cán bộ tập huấn cho nông dân theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Mô hình này đem lại lợi nhuận cao hơn so với sản xuất lúa thông thường gần một triệu đồng/sào. Đặc biệt, mô hình góp phần tăng khả năng chủ động nguồn giống lúa lai, giảm giá thành vì hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập 70% giống lúa lai từ Trung Quốc với giá 70 - 80 nghìn đồng/kg.
Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Yên Thế có Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An, trụ sở tại thành phố Vinh (Nghệ An) liên kết với nông dân trồng gấc xuất khẩu sang Mỹ. Nhờ có đầu ra ổn định nên nhiều hộ dân mạnh dạn khai thác lợi thế có diện tích đất đồi rộng chuyển sang trồng gấc, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung với diện tích khoảng 70ha/năm, thu lãi 80 triệu đồng/ha.
Đối với các doanh nghiệp liên kết sản xuất nông sản đã góp phần hình thành nhiều vùng nông sản hàng hóa tập trung với quy mô từ 3 đến hàng chục ha/cánh đồng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Nhờ vậy, năm 2015, bình quân mỗi ha đất canh tác toàn tỉnh cho thu nhập ước đạt 86 triệu đồng, tăng hơn 11 triệu đồng so với năm 2014 (hơn 70 triệu đồng/năm). Điển hình như ở huyện Tân Yên đạt hơn 100 triệu đồng/năm (năm 2014 đạt gần 93 triệu đồng); huyện Yên Dũng, Lạng Giang đạt hơn 95 triệu đồng/năm (năm 2014 Lạng Giang gần 80 triệu đồng, Yên Dũng khoảng 85 triệu đồng/ha/năm).
Thu hút đầu tư về nông thôn
Được biết, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn sản xuất nông nghiệp, hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành kế hoạch sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi; các huyện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân “dồn điền, đổi thửa”, tích tụ ruộng đất… chỉ đạo các xã vận động người dân hình thành tổ nhóm, tổ hợp tác ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
Một số huyện như Tân Yên có cơ chế khen thưởng cho doanh nghiệp có giá trị hợp đồng thu mua từ 3 tỷ đồng/năm trở lên; huyện Lục Nam, Lạng Giang tạo điều kiện về mặt bằng cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm; Yên Dũng, Việt Yên có cơ chế thuận lợi để cá nhân, doanh nghiệp thuê mượn đồng ruộng; đưa cơ giới vào làm đất, thu hoạch nông sản; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho ban điều hành sản xuất ở thôn nhằm giúp nông dân tạo ra sản phẩm đồng đều, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới cho rằng: “Các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn được xem như đòn bẩy thúc đẩy tiến độ thực hiện nhiều tiêu chí nông thôn mới ở các xã, trong đó, đóng góp tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nông dân là 2 tiêu chí quan trọng trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhiều hộ dân được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tuy diện tích liên kết sản xuất chưa phải là nhiều nhưng các doanh nghiệp này là cầu nối quan trọng khi tỉnh đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa xuất khẩu. Doanh nghiệp về nông thôn thúc đẩy hình thành nhiều vùng nông sản hàng hóa tập trung ổn định với quy mô từ 5 đến hàng chục ha/cánh đồng, cho thu lãi 70 đến hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Trong thời gian tới, để phát huy hết tiềm năng đất canh tác cũng như lợi thế phát triển các loại rau màu hàng hóa, tạo thành vùng nguyên liệu xuất khẩu lớn của tỉnh thì việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cần đẩy mạnh hơn nữa. Muốn vậy, các cấp chính quyền cần phát huy tốt vai trò của Nhà nước trong mối liên kết “4 nhà”, tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất; các ngành chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác cử cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng doanh nghiệp hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng an toàn sinh học; doanh nghiệp nên điều chỉnh giá thu mua khi giá thị trường tăng để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất; người dân cần nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật mới để tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa, tránh tình trạng hợp đồng bị phá vỡ./.
Phương Thảo
Tin liên quan: