Sau các vụ thu hoạch lúa tại các địa phương, việc thu gom, xử lý rơm rạ chưa được chú ý quan tâm nên vẫn vứt bừa bãi, ảnh hưởng đến mỹ quan làng xóm, cản trở giao thông đi lại, gây ô nhiễm môi trường và làm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; thậm trí ở một số nơi nông dân gom lại và đốt khói nghi ngút bao trùm cả vùng quê. Tất cả thực trạng này đều ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của người dân. 
 
Để góp khắc phục phục hạn chế trên, nhằm tận dụng các rơm rạ ủ thành phân hữu cơ sinh học bón cho cây trồng, giảm giá thành đầu tư cho sản xuất, tạo sản phẩm an toàn khi thu hoạch, cải thiện môi trường sống, khai thông đường làng ngõ xóm, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ bùng phát dịch bệnh thì vấn đề thu gom “Ủ, xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ sinh học” để bón cho cây trồng là hết sức phù hợp, cần thiết và có ý nghĩa rất lớn với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện; đồng thời tạo nên ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong  cuộc sống, hơn thế nữa thu gom, ủ rơm rạ còn góp phần bảo vệ môi trường sống của cộng động xã hội. 
 
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, năm 2016 Trạm khuyến nông huyện đã triển khai mô hình Ủ rơm rạ thành phân hữu cơ sinh học tại huyện Yên Thế. Mô hình được thực hiện với qui mô 120 kg chế phẩm sinh học được ủ với 480 tấn rơm rạ, thời gian thực hiện từ tháng 5/2016 tiến hành khảo sát, lựa chọn hộ tham gia mô hình và tập huấn hướng dẫn ghi chép, theo dõi. Đến cuối tháng 6/2016, một số hộ bắt đầu thu gom rơm rạ và ủ; đến tháng 11/2016 đã có 240 tấn sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học đã đạt tiêu chuẩn và đem bón cho cây trồng. 
 
Trong thực tế, các hộ dân đã có nhiều kinh nghiệm về ủ xử lý rơm rạ, ủ phân, bón phân cho cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song việc làm đó chỉ được thực hiện ở ít hộ, đặc biệt các hộ chỉ chú ý đến việc ủ phân chuồng cho hoại mục. Có nhiều hộ dân quan tâm đến việc tận dụng, thu gom rơm rạ dư thừa sẵn có tại địa phương để ủ thành phân sinh học bón cho để giảm chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
 
Mô hình “Ủ, xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ sinh học ” mong muốn ý thức cho người dân nhìn nhận thực tế xa rộng hơn; mỗi người phải có ý thức, trách nhiệm thu gom, dọn dẹp rơm rạ sau thu hoạch để thông thoáng đường làng, ngõ xóm, không gây ô nhiễm môi trường sống của người dân; tận dụng rơm rạ sẵn có để ủ thành phân hữu cơ sinh học bón cho cây trồng để giảm chi phí đầu tư, tăng giá thành sản phẩm và tạo ra sản phẩm sạch cho người sử dụng. Kết quả mô hình này tính hiệu quả kinh tế ngay trước mắt là không lớn nhưng nó mang tính xã hội rất cao và tính kinh tế ổn định lâu dài góp phần làm đẹp hình ảnh đường làng, ngõ xóm của vùng nông thôn sau vụ thu hoạch. Qua theo thực tế dõi thực hiện đến thời điểm này chương trình đã đạt được mục đích trên.
 
Kết quả mô hình “Ủ, xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ sinh học ” tại huyện Yên Thế là một sáng kiến kỹ thuật, được khẳng định tính phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Thế. Chi phí thấp, dễ áp dụng (có thể áp dụng được ở nhiều nơi, nhiều hộ), thực hiện trong bất cứ thời gian nào nếu có rơm rạ hoặc có thể ủ các phế phụ của sản xuất nông nghiệp sau thu hoạch như thân, lá cây ngô, lạc... đều hiệu quả; thực hiện trong thời gian ngắn. Đặc biêt tạo thành phân bón hữu cơ sinh học bón cho cây trồng dễ hấp thụ và hạn chế sâu bệnh hại, cây trồng cho thu sản phẩm sạch. Chỉ trong thời gian ngắn, với chi phí là 116.400.000 đồng (tính cả công thu gom rơm rạ) đã thu được là 240 tấn phân hữu cơ sinh học có trị giá 480.000.000 đồng, chênh lệch thu chi là 336.600.000 đồng. 240 tấn sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học này chủ yếu được các hộ bón cho dưa chuột và cây ăn quả, vẫn chưa có nhiều để bón cho lúa và các loại cây trồng khác.
 
Việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch làm phân bón ngoài tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khói bụi đốt rơm còn góp phần hạn chế việc lạm dụng phân hoá học và thuốc hoá học trên đồng ruộng mà vẫn đảm bảo được năng suất và nâng cao chất lượng nông sản, dần lấy lại độ phì nhiêu cho đất, làm tăng hàm lượng các chất khoáng, tăng độ tơi xốp của đất, tăng hàm lượng vi sinh vật hữu hiệu trong đất, giảm tối thiểu các loại vi sinh vật có hại, các loại mầm mống sâu bệnh hại. Đây là một giải pháp quan trọng trong việc tạo nên một nền nông nghiệp sạch và bền vững.
 
Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và môi trường, góp phần nâng cao kiến thức của người dân về tận dụng nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường. Mô hình có khả năng để duy trì, nhân rộng với điều kiện của huyện Yên Thế.
 
Từ thực tế mô hình này, đề nghị các cấp Đảng, chính quyền và các đoàn thể cần tuyên truyền, vận động và quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ để người dân thực hiện ứng dụng vào thực tế có hiệu quả và chỉ đạo mở rộng qui mô, nhằm tạo lên hình ảnh đẹp ở mỗi làng quê, ngõ xóm, đồng thời tạo môi trường sống  đảm bảo hơn cho cả cộng đồng xã hội. 
 
Thông điệp cho tất cả mọi người: "Vì sức khỏe công động và chính mình, hãy thu gom và xử lý rơm rạ". Hãy nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình trong việc thu gom rơm rạ để tạo lên hình ảnh đẹp ở mỗi làng quê, ngõ xóm, đồng thời tạo môi trường sống  đảm bảo hơn cho cả cộng đồng xã hội./.
 
 
 
Văn Bằng