Từ khi sử dụng hầm khí biogas trong chăn nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tiết kiệm được chi phí sinh hoạt, giảm đáng kể công lao động.
 
 

Sử dụng hầm khí biogas đã giảm bớt sức lao động cho người chăn nuôi.
Gia đình chị Phan Thị Bích, thôn Xuân Đông, xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) chăn nuôi lợn hơn 10 năm nay với mức trung bình 10 - 20 con/ lứa. Năm 2015, chị tăng quy mô đàn lợn lên khoảng 40-60 con/ lứa. 
 
Đầu năm 2016, khi thấy nhiều hộ dân ở địa phương xây dựng hầm khí biogas, gia đình chị cũng đầu tư xây hầm với thể tích 25m3, theo kiểu KT1. Hiện nay, ngoài chăn nuôi lợn gia đình trồng 2 sào cây ăn quả như nhãn, bưởi, đu đủ và nuôi cá.
 
Trước đây, ngày nào chị Bích cũng phải đi cắt cỏ ngoài đồng để cho cá ăn, nhưng hiện nay nhờ tận dụng chất thải từ hầm khí biogas làm nguồn thức ăn nên khoảng 3 ngày chị mới phải cắt cỏ. Khi chưa có hầm, chị và con gái (sinh năm 1994) hết tất bật vệ sinh chuồng trại lại quay ra chăm sóc vườn cây. Giờ đây, hai mẹ con chị thay nhau làm, vừa tốn ít thời gian lại không vất vả như trước. Đặc biệt, nguồn khí biogas làm chất đốt giúp hai mẹ con chị thuận tiện hơn trong việc đun nấu rất nhiều. Gia đình chị còn tiết kiệm được khoảng 300 nghìn đồng/tháng từ nguồn chất đốt này.
 
Chị Bích chia sẻ: “Từ khi có hầm khí biogas, mô hình VAC của gia đình phát triển hiệu quả hơn rất nhiều, giảm đáng kể công lao động của cả gia đình, nhất là hai mẹ con. Tôi rất vui vì trước đây chỉ quanh quẩn ở nhà từ sáng đến tối để chăn nuôi, thì nay tôi đã có thời gian tham gia hoạt động xã hội”.
 
Chung niềm vui đó, năm 2014, được hỗ trợ 3 triệu đồng xây dựng hầm khí biogas từ dự án LCASP, gia đình chị Đoàn Thị Hoa, thôn Trung Lương, xã Cao Xá, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đầu tư hầm khí biogas, thể tích 40m3, chi phí khoảng 30 triệu đồng. Hiện nay, gia đình chị nuôi từ 50-60 con lợn/ lứa. Ngoài chăn nuôi, chị trồng 1,5 mẫu cây ăn quả và dược liệu như nhãn, bưởi Diễn, đinh lăng và nuôi cá. 
 
Nếu trước đây, mỗi lần bón lân, đạm cho vườn cây ăn quả của gia đình, anh, chị phải làm hơn 1 tuần mới xong thì bây giờ, một mình chồng chị chỉ mất khoảng 2 tiếng đã có thể tưới hết vườn cây từ nguồn nước thải của hầm khí biogas. Nhờ vậy, chị có thời gian làm việc khác nâng cao thu nhập gia đình. 
 
Sử dụng chất thải biogas trong trồng trọt, chị Hoa cho biết cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh. Đặc biệt, giảm được hàng chục triệu đồng để mua phân bón mỗi năm. Việc dọn chuồng cũng đỡ vất vả hơn. Con gái thứ hai của chị trước đây mỗi lần đi học về phải phụ bố mẹ thì nay không phải làm nữa mà tập trung vào học tập.
 
Chị Hoa chia sẻ: “Từ hiệu quả mô hình này mang lại, gia đình tôi dự định sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi và diện tích cây ăn quả để nâng cao thu nhập”. 
 
Có thể khẳng định rằng việc xây dựng hầm khí biogas thực sự là hướng đi đúng đắn trong phát triển chăn nuôi và kinh tế gia đình, giải phóng sức lao động cho nhiều phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn, đồng thời cũng là trao cho họ thêm cơ hội để học tập, lao động, tham gia hoạt động xã hội, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong cuộc sống.
 
  Theo BGĐT