Hầm khí biogas đem lại hiệu quả thiết thực trong chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít hộ dân chưa mặn mà với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật này. Nguyên nhân vì sao?
 
 

 
Xây hầm khí biogas đem lại lợi ích thiết thực nhưng vẫn còn hộ chăn nuôi chưa thực hiện.
 
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải vật nuôi, các nhà khoa học đã đưa ra mô hình hầm khí sinh học (biogas). Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều nơi trong tỉnh Bắc Giang, nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa tiến hành xây dựng hầm khí biogas.
 
Gia đình chị Trần Thị T, xã Hoàng Mai (Việt Yên) là một ví dụ. Chị cho biết: “Gia đình tôi chỉ nuôi một vài con, kết hợp với nấu rượu nên cũng chưa có nhu cầu xây dựng chuồng”. Chất thải của lợn hàng ngày gây ô nhiễm môi trường sống nhưng theo chị, gia đình không lấy đó làm nghiêm trọng vì … đã quen.
 
Theo ông Ngô Văn Cường, cán bộ kỹ thuật Dự án LCASP ở Việt Yên, mặc dù những năm gần đây, số hộ xây dựng hầm khí biogas ngày càng tăng nhưng vẫn còn khá nhiều hộ chưa mặn mà với việc ứng dụng tiến bộ này. Phần lớn họ là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, kết hợp làm nghề. Bên cạnh đó, cũng có hộ cho rằng nếu xây hầm khí biogas phải cải tạo lại toàn bộ hệ thống chuồng trại, số tiền đầu tư khá lớn nên chưa có điều kiện để tiến hành.
 
 Chính vì vậy, ở một số nơi trong huyện, chất thải trong chăn nuôi không được xử lý, xả bừa bãi ra cống rãnh. Mỗi khi trời mưa, phân lợn thải ra từ các khu chuồng trại lại dềnh lên đường làng, rất ô nhiễm.
 
Thực tế hiện nay, mỗi hộ xây hầm theo dự án LCASP được hỗ trợ 3 triệu đồng/hầm và có thể vay vốn từ Ngân hàng. Tuy nhiên, theo nhiều người dân số vốn được vay chưa nhiều. Trong khi đó, để xây một hầm bioga đạt tiêu chuẩn trên 10m3 người chăn nuôi phải đầu tư khoảng 15 -25 triệu đồng. Hơn thế, muốn xây hầm bioga, hộ chăn nuôi cũng phải thay đổi lại toàn bộ hệ thống công trình phụ từ nhà vệ sinh đến nhà bếp, khu chăn nuôi của gia đình, tính ra cũng phải hết khoảng 50-70 triệu đồng. Đó là khó khăn hiện nay mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện thực hiện.
 
Theo các chuyên gia cho rằng, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán là nguyên nhân dẫn đến việc khó triển khai áp dụng mô hình khí sinh học. Do đó, rất cần quy hoạch lại chăn nuôi theo hướng quy mô tập trung, xa khu dân cư, bắt buộc có hệ thống xử lý chất thải theo mô hình hầm khí bioga. Đồng thời cơ chế vay vốn, hỗ trợ người dân thực hiện theo mô hình này cần thông thoáng hơn nữa để tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi, bảo đảm an toàn môi trường./.
 
Theo BGĐT