VietGAP là cụm từ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, trong lĩnh vực thủy sản được hiểu là thực hành sản xuất thủy sản tốt ở Việt Nam trên cơ sở 4 nhóm tiêu chí chính: Bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý tốt sức khỏe thủy sản nuôi; giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái; thực hiện các trách nhiệm về phúc lợi xã hội và an toàn cho người lao động, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản...
Thời gian qua, bên cạnh những mô hình nuôi thủy sản truyền thống, việc triển khai các mô hình sản xuất thủy sản đảm bảo an toàn sinh học theo hướng VietGAP đã được cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo; nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được ban hành là cơ sở để các mô hình nuôi trồng an toàn sinh học đem lại hiệu quả thiết thực và đang từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Thăm  mô hình điểm là hộ gia đình ông Thân Văn Việt ở xóm Quang Châu, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, người đã thành công với mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng VietGAP được ông chia sẻ: “Từ năm 2015, gia đình tôi bắt đầu nuôi cá rô phi đơn tính. Trên diện tích mặt nước 1ha, tôi thả nuôi hơn 90% cá rô phi đơn tính, còn lại ghép thêm một số loài cá khác như chép, chim trắng, mè hoa... Sản lượng cá thương phẩm bình quân dao động từ 7-8 tấn /lứa nuôi”.
 
Năm 2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tân Yên triển khai mô hình Liên kết sản xuất nuôi cá rô phi theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Ngọc Châu và ông Thân Văn Việt đã mạnh dạn tham gia.
 
Tuân thủ các yêu cầu nuôi thả theo quy trình VietGAP, ông Việt thả nuôi 1 vạn con cá giống rô phi đơn tính với mật độ 2-2,5 con/m2, đầu tư thêm hệ thống sục khí đáy ao, xử lý nguồn nước tại chỗ bằng men vi sinh, không thay nước ao như chế độ nuôi cũ mà chỉ cần bổ sung nước 1 tuần/lần... Lứa cá đầu tiên nuôi theo quy trình VietGAP được thu hoạch với sản lượng cá đạt được là 14 tấn, trong đó có 12 tấn cá rô phi đơn tính thương phẩm. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông thu lãi 100 triệu đồng.
 
Đánh giá về quy trình nuôi cá theo hướng VietGAP, ông Việt cho biết, ưu điểm lớn nhất của quy trình này cá tăng trọng nhanh, ít dịch bệnh và giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường. Do mật độ nuôi thấp nên cá tăng trưởng rất nhanh, giảm lượng thức ăn tiêu tốn, cá đạt biểu cân và có mẫu mã đẹp. Đồng thời, môi trường nuôi được xử lý thường xuyên giúp giảm dịch bệnh, giảm lượng thuốc thú y sử dụng, không mất công thay nước thường xuyên như cách nuôi truyền thống... Từ đó rút ngắn được thời gian nuôi (với mô hình nuôi truyền thống phải mất 9-10 tháng mới cho được thu hoạch nhưng nuôi theo hướng VietGAP thời gian xuất bán có thể rút ngắn chỉ còn 6 tháng) và tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích ao nuôi.
 
Về kỹ thuật nuôi, ông cho biết, để cá mạnh khỏe, cho chất lượng đồng đều, ông nhập cá giống từ những cơ sở cung cấp giống có uy tín và nuôi thả trong ao ương cho đến khi cá con đạt trọng lượng 120-130g rồi mới chuyển sang ao nuôi cá thịt; chọn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng phù hợp theo từng giai đoạn; tính toán lượng thức ăn hợp lý nhằm giảm lượng thức ăn dư thừa vừa gây lãng phí vừa ô nhiễm môi trường ao nuôi... Ngoài ra, ông còn đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước sạch từ ngòi vào và luôn duy trì độ sâu của nước trong ao từ 2-2,5m, định kỳ 15 ngày/lần xử lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học...
 
Hiện tại, ông Việt đang nuôi lứa cá rô phi đơn tính thứ 2 theo quy trình VietGAP với 1 vạn con giống rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp và ghép thêm 600 cá chép, 50 cá chim trắng, cá mè hoa... Với tình hình sinh trưởng và phát triển tốt, ông dự kiến lứa cá này sẽ cho thu hoạch trong tháng 10/2017 với sản lượng 13 - 14 tấn cá thương phẩm.
 
         Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng VietGAP của hộ gia đình ông Thân Văn Việt chỉ là một trong số những mô hình nuôi thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây là mô hình nuôi thủy sản rất đáng để các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất.Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP đang từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn cho ngành thủy sản của tỉnh, đặc biệt, với việc tạo ra các vùng thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tập trung định hướng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Mô hình được triển khai không những tạo ra hiệu quả về mặt kinh tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức người nuôi về VietGAP đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường./.
HT