Đối với người dân xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Sơn luôn sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, góp phần xây dựng tập thể vững mạnh. Đặc biệt, vị Bí thư này còn “được lòng” bà con nông dân nhờ những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình.
 

 
Ông Nguyễn Văn Sơn (bên phải) trao đổi công việc với thành viên Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng.
 
Việc nào cũng sâu sát
 
Hò hẹn mãi cuối cùng tôi cũng gặp được ông Nguyễn Văn Sơn. Khác với hình dung ban đầu về một người đạo mạo, nguyên tắc, ông “bí thư nông dân” ấy khá cởi mở khi nói về bản thân cũng như trao đổi về công việc lãnh đạo, điều hành ở xã. Hỏi ông về cái tên “bí thư nông dân”, ông Sơn cười giải thích: “Vì tôi thích làm nông nghiệp nên người dân gọi vui như vậy”.
 
Sự trách nhiệm, nhiệt tình, lăn lộn không biết mệt mỏi suốt những năm tháng làm việc vừa qua khiến ông Sơn già hơn nhiều so với tuổi 49 của mình. Hơn 20 năm công tác tại xã, ông trải qua nhiều cương vị, từ cán bộ thuế, thanh niên, văn phòng đảng ủy, trưởng công an rồi sau đó giữ cương vị Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã. Vị trí công tác nào, ông cũng luôn nỗ lực làm tốt.
 
Ông Sơn kể: Năm 2011, dù không có tên trong danh sách các xã được chỉ đạo về đích NTM nhưng sau khi bàn bạc, rà soát tiêu chí, đánh giá tiềm năng, thế mạnh địa phương, Đảng ủy xã Tiến Dũng vẫn chỉ đạo UBND xã chủ động đăng ký xây dựng NTM với huyện. Ngay sau khi huyện chấp thuận, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề, UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kể từ năm 2012. 
 
Với trách nhiệm là người đứng đầu chính quyền xã khi đó, ông Sơn cùng tập thể lãnh đạo xác định, điều quan trọng hàng đầu là tập trung dồn điền đổi thửa nhằm góp phần xây dựng cánh đồng mẫu, hình thành tư duy sản xuất mới cho nông dân. Chưa đầy ba năm, toàn bộ diện tích gần 500 ha của 9 thôn dồn đổi thành công, còn 1-3 thửa/hộ. Hệ thống kênh mương, đường nội đồng cũng được quy hoạch, đào đắp gọn gàng, phục vụ hoạt động sản xuất của nhân dân. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhà văn hóa xã và ba nhà văn hóa thôn được xây mới với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng; khoảng 10 km đường giao thông nông thôn cũng được cứng hóa, trong đó có gần 50% kinh phí huy động từ sức dân.
 
Ông Sơn kiểm tra bảng theo dõi quy trình chăm sóc vật nuôi tại trang trại của gia đình.
 
Trong suốt những năm tháng ấy, không mấy khi ông chủ tịch xã có mặt ở nhà. Nước da đen, khuôn mặt sạm nắng vì "sắm vai" giám sát công trường, đi lại như con thoi, lúc ở công trình nhà văn hóa, đường giao thông, khi thì đến giải quyết vướng mắc trong dồn điền đổi thửa… “Nhiều lúc về đến nhà mệt phờ nhưng vẫn phải đọc để trả lời hàng chục kiến nghị của người dân” - ông chia sẻ. Phần thưởng cho những nỗ lực không ngừng ấy là năm 2014 Tiến Dũng về đích NTM trước hạn. Từ kết quả NTM, nông dân trong xã có điều kiện làm nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa. Bức tranh kinh tế của xã Tiến Dũng ngày càng khởi sắc. Đời sống nhân dân ổn định, thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm.
 
Sau 7 năm làm Chủ tịch UBND xã (từ 2009 đến 2016), ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã. Sự quyết liệt, sâu sát thực tế khi còn ở chính quyền tiếp tục được ông áp dụng trên cương vị mới. Ông thường xuyên chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ xã thông qua chỉ đạo, giám sát đội ngũ này làm việc theo nền nếp, quy chế; giữ nghiêm kỷ luật về giờ giấc đi làm, đi họp, thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định. Tổ chức triển khai tập huấn toàn diện công tác xây dựng Đảng cho 100% cấp ủy chi bộ trực thuộc. Từ năm 2017 đến nay, Đảng bộ xã kết nạp 17 quần chúng vào Đảng, trong đó 50% đảng viên khu vực nông thôn. 7/9 trưởng thôn là đảng viên. 
 
Trên cơ sở nắm bắt thực tiễn, hai năm qua Đảng ủy xã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề lãnh đạo hiệu quả. Đơn cử, nghị quyết về công tác giáo dục đề ra chỉ tiêu duy trì ba trường chuẩn quốc gia, phấn đấu trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2. Hay nghị quyết về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trọng điểm là tập trung mở rộng vùng sản xuất rau an toàn… Sự tiếp nối hiệu quả ấy của ông trong cương vị Bí thư Đảng ủy là một trong những nguyên nhân giúp Đảng bộ xã Tiến Dũng duy trì danh hiệu trong sạch, vững mạnh hơn 10 năm qua.
 
Ông Sơn luôn tự nhận mình là nông dân chính hiệu dù luôn vận giày da, sơ mi trắng. Ông giải thích: "Quan trọng là cách làm chứ không phải mặc đồ gì để làm". Quả thực, so với nhiều người khác thì cách làm của vị Bí thư Đảng ủy này khá đặc biệt. Phương châm của ông là làm việc theo mô hình liên kết tăng hiệu quả kinh tế. Chẳng hạn, khi xã được huyện chỉ đạo xây dựng và thành lập mô hình sản xuất rau an toàn năm 2016, ông đại diện chính quyền đứng ra cam kết với nhân dân thuê lại ruộng đất, tham gia trực tiếp vào HTX rau an toàn để chỉ đạo, điều hành. Sự vào cuộc của người đứng đầu chính quyền xã góp phần giúp HTX đứng vững, ngày càng mở rộng quy mô sản xuất với tổng diện tích hơn 20 ha, thu từ 450-500 triệu đồng/ha/năm.
 
Bí thư, Đảng ủy xã, nhà nông giỏi
Sự nhiệt tình và trách nhiệm là những điều mà bất cứ người dân nào trong xã cũng có thể cảm nhận ở Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Sơn. Xã Tiến Dũng thay da đổi thịt có phần đóng góp quan trọng của ông”.
 
Ông Nguyễn Đức Tựa, người dân thôn Chùa, xã Tiến Dũng.
 
Không chỉ vậy, ông còn kết hợp với hai hộ khác xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô 120 lợn nái, 700 lợn thương phẩm và 1,5 ha ao nuôi cá. Theo ông, mối liên kết này bảo đảm an toàn vì trang trại có người chỉ đạo, điều hành vừa có người trực tiếp quản lý, thực hiện quy trình kỹ thuật. Để ổn định đầu ra, ông tìm kiếm và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hãng CP Thái Lan. Toàn bộ giống, quy trình chăn nuôi lợn thực hiện chặt chẽ, đúng yêu cầu kỹ thuật. Vào lúc cao điểm, trang trại mang lại nguồn thu tiền tỷ.
 
Mới đây, ông thuê 3,5 ha đất, đầu tư trồng hơn 1.000 cây cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh và 5.000 cây đinh lăng. Để chuẩn bị cho một mô hình mới, ông đến tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình trồng cây ăn quả ở Lục Ngạn. Khi có đủ tài liệu kỹ thuật trong tay, ông thuê lao động và chỉ đạo nhân công thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, chăm sóc cây trồng. Ông Sơn nói: “Điều đáng mừng là sau hơn một năm đầu tư, cây cối trong vườn sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
 
Với tư duy quản lý, điều hành khoa học, ông luôn chủ động trong mọi công việc. Hằng ngày, người dân vẫn bắt gặp hình ảnh một cán bộ xã thảnh thơi nhưng thực sự với khối lượng công việc đồ sộ mà ông đang gánh vác, phải sắp xếp, quản lý thời gian hết sức chặt chẽ mới có thể đảm nhiệm hết. Ngoài thời gian làm việc tại Đảng ủy xã, ông chủ yếu xuất hiện tại những cơ sở sản xuất để kiểm tra, chỉ đạo hoặc trao đổi, làm việc với các đối tác. 
 
Thành công nhiều nhưng cũng có lúc ông gặp thất bại, nhất là ở thời điểm trang trại lợn mới xây dựng, đầu tư vốn lớn nhưng không thu lại hiệu quả. Với bản lĩnh, kiến thức từ rất nhiều lớp đào tạo, tập huấn và kinh nghiệm đúc rút qua thực tiễn, ông đã vững vàng vượt qua thử thách. Hầu hết những kinh nghiệm, kiến thức ấy sau này đều được ông chia sẻ với nông dân quê mình. Chẳng vậy mà khi cùng ông đi thăm ruộng đồng, chúng tôi nhận thấy sự tôn trọng, gần gũi từ mỗi người dân đối với vị “bí thư nông dân”. Bà con luôn tin tưởng, hỏi ông từ giá rau, giá lợn cho đến việc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
 
Năm 2017, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Dũng Nguyễn Văn Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi.
 
Theo http:baobacgiang.com.vn