Từ các hoạt động khuyến nông, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp của người dân được nâng cao và hướng đến sự phát triển có khoa học, hiệu quả.
Ngày 25/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN-PTNT Lâm Đồng tổ chức Hội nghị giao ban khuyến nông 2019 các tỉnh phía Nam.
Theo Trung tâm KNQG, năm 2019, có khoảng 77 dự án khuyến nông Trung ương. Trong đó, Trung tâm KNQG được Bộ NN-PTNT giao chủ trì và quản lý 37 dự án với tổng kinh phí trên 86 tỷ đồng. Theo thống kê, ở các tỉnh phía Nam có khoảng 20 dự án trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, cơ giới hóa được thực hiện với kinh phí trên 37 tỷ đồng
Công tác khuyến nông đã giúp nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả.
Ngoài ra, có 9 dự án với kinh phí trên 10 tỷ đồng được triển khai ở các lĩnh vực chăn nuôi, thú y. 5 dự án về khuyến ngư như nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản cũng được thực hiện với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng.
Các dự án đều có hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà 10%, góp phần tăng thu nhập cho người dân, thay đổi nhận thức người dân trong sản xuất. Với việc áp dụng các quy phạm VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… đã nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và đi đến sản xuất bền vững.
Hoạt động khuyến nông đã chuyển giao thiết bị kỹ thuật, giống, phân bón… vào sản xuất giúp trình độ, kỹ thuật của người nông dân được nâng cao. Việc xây dựng mô hình, đào tạo, tập huấn… cũng có hiệu quả và được nhân rộng. Đối với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi dần giảm quy mô nhỏ lẻ và hướng theo phát triển hình thức gia trại, trang trại.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, cần kiện toàn hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở để đảm bảo việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, thời gian qua, hệ thống khuyến nông là một trong những đơn vị chủ lực trong công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người nông dân. Công tác khuyến nông đóng góp quan trọng trong sự phát triển ngành nông nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành hàng quan trọng.
Ngoài những thành quả đạt được, công tác khuyến nông cũng còn nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến là hệ thống khuyến nông, tổ chức khuyến nông có sự thay đổi và không được thông suốt từ Trung ương đến cơ sở. Điều này dẫn đến việc chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân gặp khó.
“Mạng lưới khuyến nông cơ sở là rất quan trọng trong việc kết nối công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu trong sản xuất. Nếu không kiện toàn hệ thống từ Trung ương đến cơ sở sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, ông Thanh chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Quốc Thanh, Trung tâm KNQG sẽ kiến nghị lên Chính phủ để có những biện pháp hỗ trợ đội ngũ khuyến nông viên các cấp cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với việc này, Trung tâm cũng hướng đến khuyến cáo khuyến nông viên thay đổi tư duy, cùng với người dan kết nối vào các chuỗi sản xuất để tăng thu nhập, làm giàu.
Theo: nongnghiep.vn
Tin liên quan: