Năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố đã thực hiện thành công Dự án Trồng thử nghiệm cây dâu tây trong nhà màng tại xã Dĩnh Trì, hứa hẹn mở ra cho người dân hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bổ sung đối tượng cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm cơ sở cho việc định hướng cơ cấu cây trồng trên địa bàn thành phố trong những năm tới, dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung chủ yếu vào cây có giá trị kinh tế cao.

 

Mô hình trồng dâu tây trong nhà màng đem lại kết quả khả quan

Dự án trồng dâu tây trồng dâu tây trong nhà màng tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Luân, ở thôn Núi, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, thực hiện từ đầu năm 2020, diện tích 400m2, với số lượng 1.500 cây, theo phương pháp bán thủy canh, sử dụng giá thể hỗn hợp là xơ dừa đã xử lí, trấu hun, lân Lâm Thao với tỉ lệ 7,5:2:0,5 để tăng độ xốp và chất dinh dưỡng có trong giá thể và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.

Chị Nguyễn Thị Hoa- Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp thành phố, trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết, dâu tây bắt đầu ra quả đợt đầu tiên sau hơn 1 tháng xuống giống và chăm sóc. Mỗi đợt cách nhau khoảng 3 tuần, sản lượng thu hoạch sẽ tăng dần sau mỗi đợt. Thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đất để có kế hoạch tưới nước phù hợp, phương thức tưới nhỏ giọt là chính (2 ngày tưới 1 lần). Sau trồng 10 ngày, tiến hành bổ sung thêm siêu lân, loại Đầu Trâu 501, có hàm lượng 30-15-10. Pha 20g cho vào bình 10 lít nước, phun ướt đều trên bề mặt cây. Mỗi tuần phun 1 lần và phun 4 lần liên tiếp. Sau trồng 20-30 ngày tiến hành bón dinh dưỡng cho cây, với lượng là 0,5 lít dinh dưỡng đậm đặc pha với 300 lít nước, sử dụng hệ thống tưới dinh dưỡng tự động bón trực tiếp cho cây.

Đến giai đoạn ra hoa - nuôi quả, sau trồng khoảng 40-50 ngày tiến hành tưới dinh dưỡng, với lượng 1 lít dinh dưỡng cho 500 lít nước, kết hợp bổ sung 100g kali trắng. Định kỳ 7-10 ngày/lần bổ sung dinh dưỡng. Tất cả phân được hòa tan vào bể chứa và được kiểm tra EC thông qua bút thử. Chất dinh dưỡng đã được hòa tan sẽ được máy bơm bơm hút và đẩy đến từng cây thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Sau đó, tiến hành phun thêm siêu lân, loại Đầu Trâu 701, có hàm lượng 10-30-20 với mục đích kích thích hoa ra nhiều và đồng đều. Pha 20g cho bình 10 lít, phun vào chiều mát và phun ướt đều trên bề mặt cây. Định kỳ 15 ngày phun nhắc lại 1 lần, phun 3 lần liên tiếp. Muốn cây sinh trưởng mạnh và ổn định người trồng cần để ý cây xuất hiện đợt hoa đầu tiên thì tiến hành ngắt bỏ.

Anh Nguyễn Văn Luân chia sẻ, cây dâu tây sau trồng 2 tháng đã cho thu hoạch và sau 6 tháng triển khai dự án đã cho doanh thu từ quả là gần 111 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình trồng thực tế, gia đình đã mạnh dạn mua những viên nén làm bằng sơ dừa về để tách ngó nhân giống. Trên mỗi cây dâu tây sẽ nuôi được 2 ngó và sau 2 tháng bán được 800 ngó với lợi nhuận thu về từ bán ngó là 12 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ chi phí, đem lại lợi nhuận trên 22 triệu đồng.

Theo tính toán, lợi nhuận đem lại khi trồng 360 m2 cây dâu tây trong nhà màng cao gấp đôi so với trồng cà chua (khoảng 10 triệu đồng). Bên cạnh đó, cây dâu tây là cây lâu năm nên những năm sau sẽ giảm được chi phí mua giống, ngoài ra từ cây mẹ vẫn có thể nhân giống bằng cách nuôi ngó để tạo ra cây con và sẽ cho quả ổn định ngay ở năm đầu, trong khi đó thì cây cà chua không thể làm được như vậy. Chính vì vậy, về lâu về dài lợi nhuận cây dâu tây đem lại chắc chắn cao hơn nữa khi trồng cà chua trong nhà màng hay trồng hoa lay ơn ngoài đồng ruộng.

Dâu tây là loại cây trồng cho thu hoạch quanh năm, thời gian từ khi trồng đến khi cho quả ngắn, đợt đầu tỷ lệ đậu quả cao từ 4-6 quả/1 cây. Các đợt sau do thời tiết nắng nóng và để giữ cây nên chỉ để từ 3-4 quả/cây. Trọng lượng quả trung bình đợt đầu là 85 quả/1kg. Các đợt sau cũng do một phần thời tiết nắng nóng nên số quả ra lứa sau nhỏ hơn, trung bình >100 quả/kg, hứa hẹn sẽ là mô hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, năm đầu tiên trồng cây dâu tây nên cũng gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Song, được sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của cán bộ kỹ thuật nên dần khắc phục được khó khăn. Hiện nay, việc chăm sóc cây dâu đã ổn định.

Theo đánh giá, mô hình trồng dâu tây trong nhà màng cho hiệu quả tương đối khả quan, tỏ ra thích nghi với khí hậu ở Bắc Giang, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Hiện tại, có khá nhiều người đến tham quan, mua quả và cây giống, cũng như học hỏi kỹ thuật thực hiện mô hình trồng dâu tây trong nhà màng. Do đó, trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã để giúp người dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, để thực hiện được mô hình trồng dâu tây trong nhà màng thì nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn, kỹ thuật canh tác còn khá mới mẻ với người dân. Do đó, người dân trong xã cũng mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn ban đầu, cũng như về khoa học kỹ thuật, đầu ra ổn định để thực hiện mô hình này, chị Nguyễn Thị Hoa- Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp kiến nghị.

Bài, ảnh: Hương Giang

Theo http://khuyennongbacgiang.com