Mô hình thanh long ruột đỏ của gia đình anh Trương Đình Hưng, thôn Quỳnh, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng được biết đến là một mô hình tiêu biểu để phát triển kinh tế của địa phương. Toàn bộ diện tích 1,5 ha đất núi của gia đình anh trước đây là đất trồng vải và bạch đàn kém hiệu quả được cải tạo, chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ.
Anh Nguyễn Đình Hưng phấn khởi thu hoạch lứa thanh long đạt chất lượng cao quả to, đều
Anh Hưng cho biết, qua tìm hiểu thị trường quả thanh long rất được ưa chuộng tại miền Bắc, tuy nhiên, loại quả này hiện đang phải phụ thuộc cơ bản vào nguồn cung tại miền Nam, việc phải vận chuyển xa khiến cho giá thành quả thanh long cao hơn gấp 5 đến 6 lần, độ tươi ngon của quả cũng giảm. Từ đó, anh đã quyết định học hỏi về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long.
Giống cây được anh Hưng mua từ Thanh Hóa về trồng gồm cả thanh long ruột đỏ Đài Loan F14 và thanh long ruột trắng. Tuy nhiên, sau khi trồng thử nghiệm và thăm dò thị trường, giống thanh long ruột đỏ Đài Loan F14 chiếm ưu thế hơn vì có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phù hợp với điều kiện trồng trên đất núi. Đặc biệt, thanh long ruột đỏ được thị trường ưa chuộng nhưng chưa có nhiều nguồn ở miền Bắc, phải phụ thuộc nguồn từ miền Nam.
Từ hơn 100 trụ thanh long ruột đỏ ban đầu, anh Hưng đã nhân giống phủ kín toàn bộ diện tích vườn đồi 1,5 ha với toàn bộ giống thanh long ruột đỏ Đài Loan F14. Hiện tại, vườn của anh Trương Đình Hưng có trên 1.200 trụ thanh long đang ở năm thứ 7, cho thu hoạch trung bình mỗi năm trên 30 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 300 – 350 triệu đồng/năm.
Thanh long ruột đỏ có nhiểu ưu điểm về chất lượng, đặc biệt là giá bán luôn cao hơn gấp 2- 3 lần so với thanh long ruột trắng. Với giá bán 20.000 - 35.000 đồng/kg, mỗi sào thanh long ruột đỏ cho thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mang lại, thanh long ruột đỏ đang khẳng định là loại cây trồng phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương
Được biết, thanh long ruột đỏ là loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng, đang được thị trường ưa chuộng. Tuy chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn với các loại cây trồng khác nhưng cho thu hoạch nhiều năm, lại không tốn nhiều công chăm sóc.
Để trồng thanh long ruột đỏ, cần dựng trụ bê tông cao từ 1,8 – 2m, cạnh vuông, trụ được chôn sâu 50cm, phần nổi trên đất cao từ 1,3 – 1,4m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh. Trồng thanh long ruột đỏ ít sâu bệnh, tuy nhiên, thanh long rất dễ nhiễn nấm trên thân cây. Cây thanh long rất nhanh cho thu hoạch, chỉ sau một năm đã cho quả bói và từ năm thứ 2 cây sẽ cho quả ổn định về năng suất; mỗi vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 5 đến hết năm, cứ gần 1 tháng lại cho thu hoạch một đợt quả, mỗi năm thanh long sẽ cho thu hoạch 5-6 đợt quả.
Ông Phạm Văn Nhâm – Cán bộ Khuyến nông xã Quỳnh Sơn chia sẻ, thanh long ruột đỏ của hộ gia đình anh Hưng là một trong số sản phẩm quả tiềm năng của huyện Yên Dũng tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sản phẩm thanh long ruột đỏ của hộ gia đình anh Hưng đang cung cấp rộng rãi cho siêu thị, chợ hoa quả trong tỉnh và thị trường Hà Nội. Trồng thanh long ruột đỏ tốn kinh phí đầu tư ban đầu nhưng chỉ cần trồng một lần và thu hoạch được nhiều năm, đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, cây thanh long ruột đỏ không có hiện tượng mất mùa, có thể điều chỉnh ra hoa quả theo nhu cầu thị trường nên cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ theo quy hoạch để cân đối cung – cầu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tránh hiện tượng được mùa mất giá.
Bài, ảnh: Minh Nga
http://khuyennongbacgiang.com/