Gia đình anh Lê Văn Hải ở thôn Cầu Gỗ, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang đã vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi chim cu gáy. Hiện tại, đàn chim của gia đình anh Hải đã có trên 1.000 con, trong đó có 300 cặp đang sinh sản góp phần bảo tồn nguồn giống quý, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Anh Lê Văn Hải chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim cu gáy
Từ lâu anh Hải đã được biết đến là người đam mê nghề nuôi chim cảnh, đặc biệt nuôi chim cu gáy. Trước đây, chủ yếu bẫy chim trưởng thành hoặc bắt chim non về nuôi làm cảnh. Từ năm 2017, anh Hải chuyển sang nuôi chim cu gáy sinh sản. Ban đầu, anh đầu mua tư nuôi 100 cặp chim giống. Vốn bản tính cần cù, ham học hỏi, anh Hải đã tự tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi chim sinh sản của những người đi trước, cộng với việc có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nuôi chim cảnh nên việc nuôi chim cu gáy sinh sản của anh thuận lợi, đàn chim không ngừng được tăng lên. Từ số giống ban đầu, giờ đây đàn chim của gia đình anh sinh sôi lên 1.000 con, trong đó có 300 cặp chim sinh sản.
Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, anh Lê Văn Hải cho biết, nuôi chim cu gáy không khó, vì là động vật có nguồn gốc hoang dã nên chim có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh, tỷ lệ nuôi sống cao; thức ăn đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là các loại hạt như thóc, ngô, vừng, đỗ xanh… Chuồng trại cho chim cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng lưới sắt vây thành những ngăn nhỏ, mỗi ngăn nuôi một đôi, bên trong tạo ổ bằng rơm, rạ để làm chỗ cho chim mẹ đẻ. Chuồng trại nuôi chim được anh Hải đặt trong nhà, ngoài vườn cây ăn quả tạo ra phong cảnh gần gũi với thiên nhiên.
Chim gáy sống từng đôi, mỗi năm chỉ đẻ được 6-8 lứa; mỗi lứa chỉ đẻ 1- 2 quả trứng, thời gian ấp khoảng 14 – 15 ngày. Sau khi nở khoảng 23- 25 ngày chim non biết mổ thức ăn thì cho ăn cả cám trộn lẫn thóc; được một tháng tuổi thì tách chim non và cho chim bố mẹ ăn ngô, thóc trở lại. Nước cho chim uống phải luôn sạch, nhất là giai đoạn chim gáy đang mớm thức ăn cho con. Thông thường nuôi khoảng 6 tháng tuổi chim cu gáy trưởng thành và bắt đầu sinh sản được.
Bên cạnh nghề nuôi chim gáy sinh sản thì anh Lê Văn Hải còn làm lồng chim để bán, được nhiều người chơi chim gáy cũng như các bạn hàng biết đến đem lại khoản thu nhập tương đối cho gia đình. Cũng qua đó, người nuôi chim có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫm nhau để cùng phát triển.
Từ đam mê nuôi chim cảnh anh đã thành công nuôi chim cu gáy sinh sản, cung cấp chim giống và chim cảnh cho thị trường mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mỗ tháng thu lãi khoảng 10- 12 triệu đồng từ việc bán chim non và lồng nuôi chim. Trong thời gian tới anh, sẽ mở rộng chuồng nuôi chim cu gáy bố mẹ, mở rộng quy mô chăn nuôi, để tăng thu nhập cho gia đình.
Nhiều người thấy mô hình nuôi chim cu gáy của anh Hải cho hiệu quả kinh tế cao đã tìm đến mua con giống, học hỏi kinh nghiệm. Giờ đây, anh đã trở thành nhà cung cấp chim giống cho nhiều người sành chơi chim cảnh ở trong và ngoài tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Tám cán bộ khuyến nông xã Tiên Lục cho biết, xã Tiên Lục được biết đến là vùng quê mà con người nơi đây rất cần cù chịu khó, ham học hỏi. Nơi đây có nhiều mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, tiêu biểu như mô hình nuôi chim cu gáy của hộ gia đình anh Lê Văn Hải. Hiện mô hình được đánh giá hiệu quả cao hơn nuôi chim bồ câu, bởi khả năng thích nghi, thời gian nuôi ngắn hơn và hiện được giá hơn chim bồ câu từ khoảng từ 50 nghìn đồng/đôi. Mô hình được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Có thể thấy đây là một hướng đi mới, rất có tiềm năng để phát triển.
Bài, ảnh: Bình Yên
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)