Do đặc thù chín lệch ngày so với nhãn chính vụ, thơm ngon đồng thời cho sản lượng cao hơn các giống khác nên nhãn chín muộn ở vùng đất đồi Yên Thế chiếm được cảm tình của khách hàng gần xa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Anh Tôn Quang Thành đang giới thiệu về giống nhãn muộn Miền Thiết
Anh Tôn Quang Thành, thôn Đồng Lân, xã Đồng Kỳ là một trong những hộ tiên phong đưa giống nhãn chín muộn vào trồng mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn quả.
Đưa chúng tôi thăm vườn nhãn sai trĩu cành, anh Thành phấn khởi nói, “đây là giống nhãn Miền Thiết, kỹ thuật trồng, chăm sóc dễ hơn giống nhãn Hà Tây. Qua thực tế, tôi thấy giống nhãn chín muộn rất phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương”.
Anh Thành chia sẻ, vườn nhãn này khoảng 10 ngày nữa sẽ cho thu hoạch, ước tính cho sản lượng 12- 15 tấn quả, có những cây nhãn to có tuổi đời trên 25 năm đạt sản lượng thu hoạch cao nhất khoảng 2 tạ/cây. Cá biệt, có những chùm nhãn sai có thể đạt 3 - 4kg/chùm. Với giá bán hiện tại khoảng 12 nghìn đồng/kg thì cũng cho thu được trên 150 triệu đồng khi đã trừ đi mọi chi phí. Năm nay, nhãn được mùa nhưng giá bán rẻ hơn năm trước. Vào thời điểm này của năm trước nhãn được giá 24.000 đồng/kg bán tại vườn.
Ngắm vườn nhãn quả to đều, là bí quyết trồng nhãn trên 20 năm của anh Thành, “đến vườn nhãn không cần biết vườn có bao nhiêu cây mà chỉ cần biết vườn đạt sản lượng bao nhiêu tấn quả trên đơn vị diện tích. Bởi số lượng cây trong vườn càng nhiều, mật độ cây dày mà không cân bằng được khoảng cách giữa các cây thì năng suất quả kém, chất lượng quả không ngon. Khoảng cách giữa các cây nên để thưa tạo cho tán vươn rộng, nếu để dày cây sẽ vươn cao rất khó chăm sóc và thu hái”.
Bên cạnh đó, nhãn cũng rất ít sâu bệnh, chủ yếu là nấm bệnh nên người trồng cần chủ ý phòng trừ nấm bệnh để không ảnh hưởng đến cây và năng suất quả. Từ thực tế vừa làm vừa rút kinh nghiệm, năm nay anh Tôn Quang Thành đã mạnh dạn áp dụng dùng vôi bột rắc lên gốc và thân cây để phòng trừ nấm bệnh. Nấm bệnh xuất phát từ gốc, thân cây nên rắc vôi để phòng bệnh chứ nấm không xuất phát từ lá và quả nên chỉ phun thuốc như vậy không hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến môi trường.Vôi có tác sát khuẩn, chống nấm, chống sâu bệnh và rất nhiều tác dụng khác. Chia làm 3 giai đoạn, khi ra hoa đến khi quả cho thu hoạch rắc vôi bột 03 lần. Do vậy, hạn chế được tối đa nấm bệnh nên vườn quả của gia đình anh Thành khoảng 1 tháng nay không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật mà mã quả vẫn sáng, đẹp và không bị rụng.
Phân hóa học cũng ít phải dùng tới bởi dưới những gốc hàng năm gia đình anh Thành chăn thả 2 lứa gà mỗi năm nên lượng phân gà thải ra đủ cho cây mà không cần phải bón NPK. Nhưng bên cạnh đó, anh Thành ngâm cá với đỗ tương, khi nhãn ra quả bằng ngón tay út người lớn thì hòa 1 lít nước ngâm với kali vào khoảng 20-30 lít nước và tưới vào gốc cho cây giúp cây sinh trưởng phát triển tốt và chất lượng quả ngọt.
Với cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh như vậy vừa rẻ tiền, an toàn cho cả người trồng và người tiêu dùng và thân thiện với môi trường sống nên vườn nhãn nhà anh Thành luôn được các thương lái đến tận vườn đặt mua.
Theo thống kê, trên địa bàn toàn xã Đồng Kỳ có khoảng 40 ha nhãn, trong đó thôn Đồng Lân trên 23 ha còn lại nằm rải rác ở các thôn. Bên cạnh các sản phẩm thế mạnh của địa phương như bí xanh, củ đậu thì nhãn muộn cũng được xác định là một trong những loại cây thế mạnh mà Đồng Kỳ đang tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu và là sản phẩm chủ lực của chương trình OCOP. Và những ngày này, những chiếc xe tải thay nhau ra - vào đến tận các vườn nhãn thu mua, người dân phấn khởi rộn ràng khi thành quả lao động đã đến ngày hái quả.
Nhãn muộn có ưu điểm thời gian chín sau các loại nhãn khác từ 30-40 ngày (từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9). Đồng thời, nhãn chín muộn có thể lưu quả trên cây lâu hơn song chất lượng vẫn bảo đảm, không bị mất vị nên được ưa chuộng, giá bán cao hơn nhãn chính vụ khoảng 20-30%.
Biết áp dụng khoa học kỹ thuật cùng với lối sản xuất an toàn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, giá trị kinh tế thu được từ cây nhãn chủ lực đã giúp đời sống của từng hộ gia đình người dân xã Đồng Lân nói riêng và xã Đồng Kỳ nói chung ngày càng được nâng cao, nhiều hộ dân giàu từ trồng nhãn, anh Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội nông dân xã Đồng Kỳ cho biết.
Bài, ảnh: Hương Giang