Vườn nho của gia đình chị Lĩnh đang trong giai đoạn leo giàn
Được sự giới thiệu của cán bộ khuyến nông xã Quế Nham, huyện Tân Yên, chúng tôi về thôn Bình Minh để gặp gia đình anh Giáp Văn Chương, chị Nguyễn Thị Lĩnh - đôi vợ chồng cần cù, chịu khó, ham học hỏi về nông nghiệp công nghệ cao.
Tiếp đón chúng tôi, anh Chương niềm nở cho biết, trước đây, gia đình nghèo khó nên quanh năm chỉ cấy lúa và trồng ít rau quả ngắn ngày, thu nhập bấp bênh, không ổn định. Năm 2016, anh trai anhở trong Đà Lạt trồng hoa trong nhà lưới, nhà màng có hiệu quả nên vợ chồng anh vào trong đó vừa làm thuê, vừa học hỏi để về quê áp dụng trên đồng ruộng sẵn có. Năm 2018, anh chị về quê và bắt đầu xây dựng 700 m2 nhà lưới với đầy đủ hệ thống tưới tự động để trồng rau, hoa. Từ khi có nhà lưới, anh thấy rằng khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp sẽ tiết kiệm được nhân công lao động, việc trồng trọt được dễ dàng hơn, nhanh chóng, tiện lợi và có thể trồng được một số loại cây cao cấp như hoa cát tường, nho hạ đen.... Sau khi có nhà lưới, anh trồng rau và hoa luân phiên nhau, đầu năm trồng các loại rau ăn lá, cuối năm trồng hoa cát tường bán tết. Năm 2019, hoa cát tường được giá, giá bán tại ruộng từ 150.000 - 180.000 đồng/kg nên vụ hoa đó anh thu về gần 70 triệu đồng. Năm nay, muốn thay đổi loại cây trồng nên anh chuyển sang trồng hơn 300 cây nho hạ đen. Nho hạ đen là giống nho có những ưu điểm vượt trội hơn so với các loại nho trồng bản địa tại nước ta như sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch; có độ ngọt cao, quả tròn, sai quả, thịt quả dày. Anh mua giống tại Hà Nội và được cán bộ kỹ thuật của công ty cung cấp giống về tận nơi hướng dẫn cách trồng, chăm sóc nên hiện 300 gốc nho của anh chị sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh, dự đến tết sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên. Mặc dù vốn đầu tư ban đầu hơi cao, nhưng với chu kỳ sinh trưởng lên đến 20 năm, mỗi năm cây ra quả 2 vụ nên càng về sau càng tiết kiệm chi phí, cho thu nhập ổn định.
Ngoài 700 m2 nhà lưới đang trồng nho hạ đen, anh chị còn hơn 1,5 mẫu ruộng đang trồng măng tây xanh. Hiện có hơn 1 sào măng tây đang cho thu hoạch ổn định từ 4 - 5 kg/ngày, với giá bán tại ruộng là 70.000 đồng/kg nên anh chị mong rằng, 1,5 mẫu măng đang sinh trưởng kia sẽ giúp anh chị làm giàu từ nông nghiệp. Tay đang nhổ những bụi cỏ ở chân luống măng, chị Lĩnh - vợ anh chia sẻ thêm, để thành công với nông nghiệp công nghệ cao hay nông nghiệp truyền thống thì ngoài bản tính cần cù, chịu khó, cần phải tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc các loại cây trồng. Mọi thứ từ nhà lưới, giống cây trồng, phân bón, đến đường ống dẫn nước tưới... đều được làm đúng quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật thì sẽ thành công.
Chị Nguyễn Thị Luyến - CBKNCS xã Quế Nham cho biết, anh Giáp Văn Chương là người chịu khó tìm tòi, học hỏi; mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa những giống cây mới vào sản xuất. Mong rằng, với sự quan tâm đầu tư đúng hướng của chính quyền các cấp cùng sự mạnh dạn, năng động, luôn tìm tòi, học hỏi những cái mới của anh Chương trong việc tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chất lượng cao sẽ góp phần nâng cao thu nhập cao, cải thiện đời sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Theo http://khuyennongbacgiang.com/