Việc lắp đặt các cánh đồng năng lượng mặt trời làm mất diện tích rừng
Các mục tiêu năng lượng tái tạo (RETs) có thể là một công cụ thiếu hiệu quả cho việc đảm bảo một tương lai bền vững, theo nghiên cứu sinh Scott Spillias ở trường Các khoa học trái đất và môi trường, trường đại học Queensland, Úc.
Scott Spillias là tác giả chính của công bố “Renewable energy targets may undermine their sustainability” (Các mục tiêu năng lượng tái tạo có thể làm suy yếu sự bền vững của chúng) trên tạp chí Nature Climate Change.
Dù RETs lại là mục tiêu hướng tới của các nhà hoạch định chính sách nhưng trên thực tế, còn có nhiều cách tiếp cận đa dạng hơn và hiệu quả hơn có thể giúp các quốc gia đạt được những kết quả bền vững và toàn hiện như mong muốn. “Nhiều cơ quan, tổ chức trên khắp thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu, Australia, Ấn Độ và nhiều bang ở Mỹ đã thiết lập những bộ mục tiêu mang tính định lượng cho sự phát triển năng lượng tái tạo”, Spillias chỉ ra.
Trong công bố của mình, anh đã nhận xét về “mặt trái của tấm huy chương”: “Dù đem lại cho chúng ta cảm giác thật đáng khích lệ về những hành động giúp chúng ta khỏi lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - trong trường hợp có những phân tích chính xác và cam kết của các bên tham gia vào việc xây dựng chúng, nhưng chính bản thân những mục tiêu đó lại có thể ảnh hưởng đến nhiều vấn đề bền vững mà chúng ta hướng đến. Ví dụ, California hiện đang phải chịu đựng những đợt mất điện trên diện rộng, trong đó một số nguyên nhân từ việc theo đuổi quá mức các mục tiêu về năng lượng tái tạo của bang. Họ đã thực thi các mục tiêu này mà không giải quyết vấn đề liên quan như phải làm gì khi nhu cầu năng lượng gia tăng và khi không có gió hoặc mặt trời còn những bộ lưu trữ năng lượng có mức giá phải chăng vẫn chưa hiện hữu".
Do đó, theo quan điểm của anh "Việc lập ra một mục tiêu – một mức định lượng để đạt được như 80% năng lượng gió – hơn là một mục đích – một hướng định tính để triển khai như tối đa hóa năng lượng gió – có thể làm mờ mắt chúng ta khi đánh giá các hành động chính sách khác nhau. Chúng có thể tạo ra những khuyến khích về mặt tâm lý khiến người ta có thể hành động một cách vội vã để hoàn thành chúng, nguyên nhân khiến các nhà hoạch định chính sách mất đi tầm nhìn về những mục tiêu cơ bản mà mục tiêu ban đầu thúc đẩy chúng ta. Ví dụ, Chỉ thị Năng lượng tái tạo của châu Âu (RED) thay vì giảm thiểu phát thải carbon và bảo vệ môi trường, lại có nguy cơ làm gia tăng phái thải carbon và phá rừng”. Ở đây, Spillias trích dẫn nghiên cứu xuất bản năm 2018 của tiến sĩ Timothy D. Searchinger (trường đại học Princeton, Mỹ) “Europe’s renewable energy directive poised to harm global forests” (Chỉ thị năng lượng tái tạo của châu Âu được thực thi để phá huy các cánh rừng trên toàn cầu) – một công bố trên Nature Communication được 26 lần trích dẫn.
Các nhà nghiên cứu tin rằng việc lập ra nhiều mục tiêu là một công cụ chính sách đơn giản và dễ dàng nhưng việc thiếu sự đa dạng của các cơ chế cho phát triển năng lượng cũng cần được xem xét và cân nhắc. “Các mục tiêu có thể hoặc không thể là những công cụ thích hợp cho việc phát triển năng lượng tái tạo”, Spillias nói.
Trong nghiên cứu của mình, Spillias và cộng sự đã chỉ ra một số nhầm lẫn cơ bản về năng lượng sạch và năng lượng tái tạo cũng như hậu quả của nó: “Chúng ta đồng ý với nhau là thay vào đó, quá trình ra quyết định thực sự nghiêm ngặt phải được thực hiện với việc dánh giá những hoán đổi giữa các mục đích bền vững khác nhau với việc tôn trọng những mục tiêu có thể đạt được và/hoặc những công cụ chính sách khác. Ví dụ, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đề ra đều có một mục tiêu liên quan đến năng lượng nhưng đó là năng lượng sạch chứ không phải năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo có thể là cách tốt nhất để tạo ra năng lượng sạch trong tương lai nhưng quan trọng là nó phải được ghi nhận một cách đơn thuần là những cách thức để đạt được mục tiêu đó hơn là điểm đến của chính nó. Các mục tiêu liên quan đến năng lượng và các mục đích mà chúng ta thiết lập cho chính chúng ta trong những năm tới sẽ định hướng sự phát triển của năng lượng tái tạo và sẽ dẫn dòng chảy năng lượng qua từng lĩnh vực của xã hội chúng ta. Nếu, vì bất kỳ nguyên nhân nào, chúng ta sai lầm trong việc thiết lập những mục tiêu đó, không quan trọng chúng có thể thân thiện hay không, những hậu quả sẽ hiện hữu và là gánh nặng vĩnh viễn với đa dạng sinh học, các cộng đồng và các nền kinh tế”.
Theo http://khuyennongbacgiang.com/
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)