Phân thải lợn, trâu bò được trùn quế xử lý rất tơi xốp và không còn mùi hôi thối - anh Trần Văn Liệu thôn tiêu, xã An Dương huyện Tân Yên chia sẻ

Nhằm hướng người nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng vừa sản xuất an toàn bảo vệ đàn vật nuôi tránh nhiễm dịch bệnh, vừa bảo vệ môi trường tại địa bàn huyện Tân Yên phong trào nuôi trùn quế xử lý chất thải trong chăn nuôi đang được phát triển mạnh.

Bảo vệ môi trường sinh thái 

Gia đình anh Trần Văn Liệu thôn Tiêu, xã An Dương, huyện Tân Yên đang nuôi 30 con lợn và 7 con trâu bò, lượng phân thải ra rất lớn. Qua tìm hiểu, anh Liệu được tham gia mô hình sử dụng phân lợn làm nguyên liệu để nuôi trùn quế của Dự án LCASP. Trong quá trình nuôi anh Liệu nhận thấy, trùn quế có sức tiêu hóa rất lớn, tác dụng phân giải hữu cơ của chúng chỉ đứng sau các vi sinh vật. Thậm chí chúng có thể ăn một lượng thức ăn lớn tương đương với trọng lượng cơ thể nó trong 1 ngày 1 đêm. Như vậy, trùn quế có thể xử lý chất thải hữu cơ từ gia súc  đồng thời là nguồn thức ăn phong phú, giàu dinh dưỡng cho vật nuôi.

Nuôi trùn quế 2 tháng sau khi thả giống là có thể thu hoạch theo chu kì hàng tháng, trong khi ủ phân thông thường phải 3 tháng trở lên mới đạt yêu cầu. Điều đặc biệt là nuôi trùn quế, con trùn sẽ tiết ra dịch chống ruồi nên chuồng trại nuôi trùn quế không hề có mùi hôi thối và không có ruồi, bọ. Với 70m2 chuồng nuôi trùn quế, toàn bộ lượng phân trâu bò thải ra đều được nuôi trùn quế nên chuồng trại  sạch sẽ, đàn lợn và đàn trâu, bò cũng ít bệnh.

Yên tâm tái đàn

Anh Liệu cho biết, mặc dù tâm lý còn e dè nhưng khi có mô hình nuôi trùn quế của Dự án hỗ trợ để xử lý chất thải chăn nuôi, gia đình anh cũng phần nào yên tâm tiếp tục vào lợn để phát triển kinh tế sau dịch.

Ngoài chăn nuôi lợn thì gia đình anh Liệu cũng chăn nuôi thêm khoảng 500-700 gà thịt, tiền cám chi phí cho số gà này cũng mất khoảng 60 triệu đồng/lứa. Để giảm chi phí tăng lợi nhuận anh Liệu dùng trùn quế làm thức ăn cho gà, gà ăn trùn khỏe mạnh, tiêu hóa tốt, không bệnh tật từ đó giảm 40% chi phí thức ăn cho mỗi lứa gà. Hiện tại, dự kiến khu chuồng nuôi trùn quế khoảng 20 ngày nữa là được thu hoạch.

Nhận thấy lợi ích từ các mô hình xử lý chất thải của Dự án LCASP trong thời gian tới anh có dự tính xây thêm một hầm biogas giúp việc xử lý chất thải trong trang trại được triệt để hơn.

Ông Nguyễn Đức Thảo, cán bộ Khuyến nông xã An Dương cho biết, mô hình sử dụng phân lợn làm nguyên liệu nuôi trùn quế của Dự án LCASP đã giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã có thêm hướng để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Chất thải trong chăn nuôi lợn được xử lý tốt, tình hình dịch bệnh giảm hẳn, giúp bà con xã An Dương yên tâm tái đàn sản xuất. Dự án đã và đang nhân rộng mô hình sử dụng phân lợn làm nguyên liệu nuôi trùn quế đến nhiều người chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế trang trại của xã An Dương phát triển.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/