Trùn quế của gia đình anh Đỗ Đức Phi đang chuẩn bị cho thu hoạch
Những năm gần đây nông nghiệp của huyện Tân Yên đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Mô hình sử dụng phân lợn làm nguyên liệu để nuôi trùn quế là mô hình nông nghiệp được nhiều người lựa chọn, không chỉ bởi mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần rất lớn vào việc xử lý ô nhiễm môi trường.
Anh Đỗ Văn Phi, thôn Tân Lập, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên cho biết, gia đình vừa được Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp hỗ trợ xây dựng khu nuôi trùn quế với diện tích 70m2. Với quy mô 200 con lợn thịt, lượng chất thải chăn nuôi rất nhiều, đây là nguồn thức ăn chính để nuôi trùn quế. Đến nay, mô hình trùn của anh Phi chuẩn bị được thu hoạch lứa đầu tiên.
Anh Phi cho biết: Nuôi trùn quế không khó, điều quan trọng là đúng kỹ thuật, hệ thống chuồng trại đảm bảo và cho ăn đúng cách, trùn quế sẽ sinh sản nhanh. Ấu trùn sau khi nuôi khoảng 2 tháng sẽ cho ra trùn quế trưởng thành, cứ đều đặn 3 ngày cho ăn một lần thì 2 tháng sẽ cho thu hoạch.
Với quy trình lấy phân lợn làm thức ăn nuôi trùn quế sau đó sử dụng trùn quế trộn với thức ăn cho gà, ngan, vịt ăn. Do hàm lượng đạm và axitamin trong cơ thể trùn cao nên được dùng chính con trùn đó làm nguồn thức ăn cho lợn, gà, ngan, vịt nhằm nâng cao sức đề kháng và cho chất lượng sản phẩm thịt tốt hơn nên trùn quế là thức ăn bổ sung dinh dưỡng rất tốt cho gia súc thay cho các loại cám công nghiệp có chứa hooc môn tăng trưởng, một vấn nạn trong chăn nuôi hiện nay.
Không những thế phân trùn quế còn là loại phân bón hữu cơ đặc biệt tốt cho cây trồng và rất thân thiện với môi trường. Riêng phân trùn quế (phân tươi) có thể thay thế hoàn toàn phân hóa học để bón lót cho rau màu cây ăn quả và cây cảnh rất hiệu quả.
Anh Phi cho biết thêm, nuôi trùn quế có lợi thế rất lớn, giảm được chi phí đầu vào rất tốt trong quá trình chăn nuôi đồng thời giảm được kinh phí xử lý môi trường do phân lợn thải ra. Trong quá trình nuôi trùn, trùn quế tiết ra một chất nhờn bảo quản chính nguồn phân đó nên biến phân đó không còn mùi hôi nữa. Phân của trùn sau khi ăn thải ra một lượng phân hữu cơ không có mùi, rất tốt cho môi trường. Trong thời gian tới, gia đình có hướng mở rộng quy mô chăn nuôi lợn đồng thời mở rộng thêm diện tích khu nuôi trùn quế để tận dụng triệt để nguồn chất thải chăn nuôi.
Tại các vùng nông thôn lượng chất thải nông nghiệp và các loại rác hữu cơ như phân trâu, bò, lợn… rất phổ biến nếu như người dân biết tận dụng sẽ không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch cho người tiêu dùng.
Mặc dù, mô hình sử dụng phân lợn làm nguyên liệu để nuôi trùn quế là mô hình mới ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên nhưng với những ưu điểm vượt trội, trong thời gian tới, xã mong muốn được phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền để nhân rộng, phát triển mô hình. Từ hiệu quả bước đầu, có thể thấy mô hình nuôi trùn quế không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn có ích cho môi trường vừa góp phần xử lý nguồn chất thải trong chăn nuôi hiệu quả. Nếu áp dụng rộng rãi thì nông dân sẽ có cơ hội tăng thu nhập cho gia đình và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn và có sức cạnh tranh với thị trường- ông Đỗ Đức Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lý cho biết.
Theo http://khuyennongbacgiang.com/