Chị Dương Thị Luyện đang giới thiệu về măng lục trúc

Những  năm gần đây, trồng tre lục trúc lấy măng được bà con nông dân xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên quan tâm và mở rộng diện tích bởi hiệu quả mà nó mang lại. Theo sự giới thiệu của cán bộ khuyến nông xã Ngọc Châu, chúng tôi tìm đến thôn Trại Mới để gặp chị Dương Thị Luyện - người gắn bó với cây tre lục trúc và có thu nhập cao từ loại cây này.

Đi thăm vườn tre lục trúc, chị Luyện cho biết, năm 1995, tham gia mô hình trồng tre Lục trúc do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh triển khai tại xã và mang lại hiệu quả cao nên chị quyết định đầu tư trồng hơn 200 gốc. Lúc đó, chị cũng không nghĩ mình sẽ gắn bó với cây tre lục trúc nên cũng chỉ đầu tư chăm sóc tốt, cho thu nhập khá 2-3 vụ đầu, còn chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi. Sau này, chăn nuôi bị dịch bệnh, khiến gia đình thua lỗ gần 4 tỷ đồng. Tưởng chừng gục ngã thì nhận thấy thị trường tiềm năng của măng lục trúc nên bắt đầu mở rộng diện tích. Hiện tại, gia đình có gần 05 ha trồng lục trúc, trong đó có 3 ha đang cho thu hoạch.

Theo chị Luyện, tre lục trúc trồng vào mùa mưa là tốt nhất, sau trồng gần 01 năm là được thu hoạch, trung bình mỗi gốc cho từ 10 - 15 kg măng. Mùa thu hoạch măng kéo dài hơn 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch), với giá bán là 50.000 đồng/kg măng tươi chưa bóc vỏ, 70.000 - 80.000 đồng/kg măng đã bóc; trung bình mỗi ngày thu được 5 - 7tạ măng. Măng thu hoạch tới đâu, chị giao cho nhà hàng tới đó, mỗi ngày thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng.

Điều đặc biệt, loại măng này nằm trong lòng đất nên phải có kinh nghiệm thì khi lấy măng mới không bị non quá hoặc già quá. Sau khi thu hoạch, cần chặt hết những cây già, chỉ để lại những cây tre bánh tẻ để chăm sóc cho ra măng vụ sau.

Măng trúc hoàn toàn sạch và thơm, giòn, ngon, ngọt nhẹ, có nhiều cách chế biến như làm nộm, luộc, xào, thậm chí có thể ăn sống được nên thị trườngtiêu thụ cho loại sản phẩm này khá rộng.

Mong muốn quảng bá, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm măng lục trúc, năm 2018, được sự hỗ trợ các cơ quan chuyên môn, chị Dương Thị Luyện thành lập Hợp tác xã (HTX) Măng lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu có trụ sở tại thôn Khánh Ninh, xã Ngọc Châu với 8 thành viên ban đầu. Từ khi đi vào hoạt động, HTX luôn quan tâm, nhân rộng mô hình măng trúc và bao tiêu cho bà con nông dân từ con giống đến sản phẩm, cũng như việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăm sóc. Đến nay, HTX đã có hơn 20 thành viên tham gia với diện tích 15 ha trồng tre lục trúc, trong đó có  6-7 ha đang cho thu hoạch, diện tích còn lại sẽ cho thu hoạch vào năm sau. Để chủ động nguồn giống và cung ứng giống tre lục trúc ra thị trường, chị Luyện đang làm thủ tục để công nhận nguồn giống tre lục trúc do HTX tự sản xuất.

Với chất lượng sản phẩm, dịch vụ uy tín và những đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã vinh dự được tặng danh hiệu Huy chương vàng sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao và quyền sử dụng dấu hiệu năm 2018; được người tiêu dùng bình chọn Top 50 Thương hiệu-Nhãn hiệu độc quyền, uy tín 2019; Top 10 thương hiệu phát triển kinh tế Quốc Gia năm 2019.

Chị Nguyễn Thị Thảo - Cán bộ khuyến nông cơ sở xã Ngọc Châu cho biết, cây tre lục trúc đã và đang đem lại năng suất cao, nguồn thu nhập tốt cho các hộ dân trên địa bàn xã. Tuy cây trồng này đòi hỏi kỹ thuật sản xuất khó hơn nhiều loại cây trồng khác nhưng lại rất thích hợp để trồng tại đây. Chị Dương Thị Luyện là một tấm gương sáng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, biết phát huy tiềm năng lợi thế của quê hương. Những nỗ lực của chị đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/