Từ ngày được hỗ trợ xây dựng hầm biogas mới anh Tuân yên tâm phát triển chăn nuôi bền vững mà không lo ô nhiễm môi trường
Trong những năm qua, cùng với việc phát triển đàn vật nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi góp phần ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống con người đã được ngành chức năng, các địa phương và người chăn nuôi của tỉnh hết sức quan tâm.
Theo chân cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý Dự án hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (Dự án LCASP) của tỉnh, chúng tôi đến nhà anh Giáp Văn Tuân ở thôn Dễu, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang để tìm hiểu về hiệu quả của việc xây dựng hầm biogas khi chăn nuôi với quy mô lớn.
Tiếp đón chúng tôi, anh Tuân cho biết, anh bắt đầu chăn nuôi từ năm 2007, ban đầu chỉ nuôi 20 con, sau dần thấy chăn nuôi lợn có hiệu quả, anh đầu tư xây chuồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Hàng năm, anh duy trì nuôi hàng trăm con mỗi lứa. Năm 2019, do công tác phòng dịch và bảo vệ môi trường thường xuyên được gia đình quan tâm đặt lên hàng đầu nên trang trại của anh không bị ảnh hưởng bởi dịch. Thời điểm đó, đàn lợn bán được giá từ 45.000 - 55.000 đồng/kg lợn hơi. Bên cạnh chăn nuôi lợn, gia đình còn nuôi thêm hàng nghìn con gà mỗi năm; trong vườn trồng gần 1.000 cây bưởi các loại, khoảng 3.000 gốc chanh, hơn 100 cây mít... để tận dụng nguồn phân bón từ chăn nuôi. Với quy mô vườn chuồng như vậy, đem về thu nhập khoảng 02 tỷ đồng.
Hiện, trong chuồng nhà anh Tuân đang nuôi 100 con lợn, 300 con gà và dự kiến sắp tới vào thêm từ 30 - 50 con lợn nữa. Anh Tuân chia sẻ, muốn mở rộng được quy mô chăn nuôi, công việc trước tiên cần nghĩ đến là xây dựng hầm khí sinh học để giải quyết vẫn đề ô nhiễm môi trường cho chính gia đình và những hộ dân xung quanh.
Năm 2008, anh Tuân đăng ký xây 01 hầm biogas với thể tích 30 m3 để chứa phân và nước thải của lợn, vừa có gas đun nấu. Nhưng những năm gần đây, đầu lợn mỗi lứa nuôi đều nhiều, cao điểm có lúc trong chuồng nuôi 400 - 500 con lợn nên 1 hầm biogas 30 m3 không đủ để chứa chất thải do lợn thải ra. Điều này khiến ruồi nhặng bay khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nên ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình anh cũng như các hộ dân xung quanh. Để giải quyết vấn đề ấy, năm 2019, anh đăng kí tham gia chương trình hỗ trợ xây hầm biogas của Dự án LCASP và được hỗ trợ 50 triệu để xây dựng thêm 01 hầm biogas kiểu KT1 có thể tích 52,2 m3. Từ đó đến nay, cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, nên anh Tuân rất yên tâm chăn nuôi.
Thực tiễn thấy rằng, việc triển khai hỗ trợ người dân xây dựng hầm khí biogas của Dự án LCASP rất thiết thực đối với các hộ chăn nuôi. Thiết nghĩ, để cải thiện môi trường chăn nuôi các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm để phong trào chăn nuôi của tỉnh triển hơn nữa. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh.
Theo http://khuyennongbacgiang.com/
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)