Theo sự giới thiệu của cơ quan chuyên môn, chúng tôi về thôn Phúc Hạ, xã Song Mai, TP. Bắc Giang để gặp anh Thân Văn Doanh, chị Nguyễn Thị Liêm để nghe anh chị chia sẻ về quá trình nuôi cá theo VietGAP mà gia đình mình đã và đang áp dụng.
Anh Thân Văn Doanh đang chăm sóc cá giống để chuẩn bị cho sang nuôi thương phẩm
Bắt đầu vưới nghề nuôi cá từ năm 2003 với quy mô nhỏ lẻ, nhưng nhận thấy nuôi cá thu nhập ổn định hơn cấy lúa nên anh chị bàn nhau đổi ruộng để mở rộng diện tích nuôi trồng. Qua 4 lần sửa chữa, cải tạo, anh chị đã có 5.000 m2 ao nuôi cá thương phẩm, 700 m2 ao nuôi cá giống với bờ ao chắc chắn cũng hệ thống máy quạt oxy đầy đủ. Anh Doanh cho biết, trước đây, có thời gian anh chọn cách nuôi công nghiệp, cá được thu hoạch sau 4-6 tháng thả nhưng nhận thấy nuôi công nghiệp phải cải tạo ao thường xuyên, thịt cá bở nên hay bị tiểu thương ép giá, năm 2008 anh đã chuyển sang nuôi cá theo VietGAP. Sau vụ đầu tiên nuôi theo hình thức này, anh thấy rằng tuy thời gian nuôi kéo dài hơn, thịt cá chắc, được thị trường ưa chuộng, lợi nhuận cao hơn nuôi theo hình thức công nghiệp nên anh áp dụng từ đó. Hiện, anh sử dụng ngô, đậu tương...để làm thức ăn cho cá, sau khi cá ăn no ngô và đậu tương anh mới cho ăn thêm cám nổi để giúp cá no lâu. Đặc biệt, anh không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi mà chỉ xay tỏi trọn với thức ăn cho cá ăn. Nhà nấu rượu, thỉnh thoảng anh cho bỗng rượu xuống ao thì thấy ao rất sạch, cá ít bị bệnh. Hỏi về kinh nghiệm nuôi cá của bản thân, anh cười nói, ban đầu, anh tự mày mò, học tập kinh nghiệm nuôi cá của những người đi trước rồi về áp dụng tại gia đình mình; cứ vụ sau lại rút kinh nghiệm hơn vụ trước. Nuôi cá theo VietGAP cần chú trọng tất cả các nguồn, giống tốt, duy trì phòng trừ tốt, không cho nguồn phân bẩn xuống ao, chú ý liều lượng ăn của cá. Hàng năm, anh cũng tham gia một số lớp về nuôi cá theo VietGAP do Trung tâm KN Quốc Gia, Trung tâm KN Bắc Giang tổ chức để có cơ hội học tập, trau dồi, trao đổi kinh nghiệm với các giảng viên có kinh nghiệm cũng như các "chuyên gia" nuôi cá trong tỉnh.
Vụ vừa rồi, với khoảng 8.000 đầu cá các loại như trắm, trôi, mè, chép, rô phi... anh vừa thu được hơn 5 tấn cá, với giá bán trung bình trên 40.000 đồng/kg với cá chép, cá trắm; cá trôi trên 25.000 đồng/kg; cá rô phi hơn 30.000 đồng/kg... anh thu về gần 200 triệu đồng. Ngoài nuôi cá, mọi năm trước anh duy trì nuôi từ 20 - 30 con lợn/lứa, năm ngoái có dịch bệnh nên anh chuyển sang trồng bưởi, và đang tìm hiểu cách nuôi baba để chuyển đổi hình thức chăn nuôi.
Theo anh Doanh, nếu muốn thủy sản phát triển, đặc biệt là nuôi cá theo VietGAP thì cần phải thành lập các HTX nuôi trồng thủy sản, có sự liên doanh tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch thì sẽ bán được giá, khẳng định được chất lượng của cá sạch.
Theo: https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/