Sự chủ động của người dân Bắc Giang trong việc xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản bản địa, góp phần giải quyết bài toán “đau đầu” mà nhiều địa phương đang phải đối mặt: Làm thế nào để nhãn hiệu nông sản phát huy hiệu quả trong thực tế?

Khi mất đi trang trại nuôi lợn năm 2017 do dịch bệnh gây thua lỗ, có lẽ chị Dương Thị Luyện (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, Bắc Giang) không thể ngờ rằng chưa đầy hai năm sau, một hợp tác xã mới ra đời nơi đây do chị làm giám đốc lại trở thành “tấm gương đi đầu” về trồng măng tre lục trúc. Với diện tích 40 ha và doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, hợp tác xã măng lục trúc Ngọc Châu đang dần gây dựng được tên tuổi và uy tín trên thị trường, đồng thời mang lại nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
 
Chị Dương Thị Luyện, Giám đốc HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu. Ảnh: T. Nhàn
 
Đây chỉ là một trường hợp tiêu biểu trong số các thương hiệu nông sản được xây dựng và phát triển thành công ở Bắc Giang. Điều này khiến không ít người ngạc nhiên bởi mặc dù các chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã được triển khai ở nhiều địa phương song thực tế hiện nay, phần lớn nhãn hiệu nông sản chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí còn bị người dân “thờ ơ” và không muốn sử dụng. Có lẽ, một trong những điểm khác biệt lớn nhất là sự chủ động tham gia xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của người dân nơi đây: “Tư duy sản xuất của bà con khá tiến bộ, không phải tỉnh tự đánh giá mà các tỉnh khác cũng nhận xét như vậy”, ông Trần Văn Tú, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Bắc Giang) cho biết. “Việc tuyên truyền những chính sách mới hay chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất ở đây gặp rất nhiều thuận lợi”.
 
Từ những bước đi đầu tiên
 
Chính tinh thần không ngại đổi mới này đã giúp chị Dương Thị Luyện trở thành người đi đầu trong việc trồng măng lục trúc ở Bắc Giang. Việc lựa chọn một hướng ít người đi vốn không dễ dàng. “Cách đây mấy năm, lúc tôi mới trồng, người ta bảo tôi thần kinh có vấn đề, vỡ nợ xong lại chuyển sang trồng tre”, chị Luyện kể lại.
 
Khác với các loại măng thông thường, măng lục trúc khi ăn sống có vị ngọt, khi luộc chín có mùi thơm gần giống ngô nếp. Giống măng này có nguồn gốc từ Đài Loan và được trồng ở Bắc Giang gần 30 năm nay. Chị Luyện cho biết, “Trước đây chỉ trồng với sản lượng rất ít cung cấp cho một số nhà hàng của người Nhật, Đức. Họ về đến tận nơi kiểm nghiệm chất lượng, thấy ổn mới chấp nhận”. Ngoài hương vị thơm ngon, măng lục trúc còn có năng suất cao đặc biệt: “Mỗi gốc tre cho khoảng 12-15kg/năm đầu tiên, năm thứ hai sẽ cao hơn. Thời gian thu hái măng kéo dài từ tháng 3-9 hằng năm, nếu chăm bón tốt, mỗi gốc tre có thể cho thu hoạch măng trong vòng 25-30 năm. Ngoài ra, có thể thu từ các sản phẩm phụ như thân tre, cành tre có thể bán cho những nơi sản xuất giấy, làm cán chổi, ống hút tre,...”.
 
Tại sao một loại cây trồng lý tưởng như vậy lại chưa được phổ biến rộng rãi? Có lẽ, cũng giống như phần lớn các loại cây trồng đặc sản khác, người ta thường nghĩ rằng phải “hiếm có” thì mới có giá trị cao. “Trước đây, tôi có suy nghĩ rất ấu trĩ là sợ trồng nhiều thì giá bán sẽ giảm”, chị Luyện bày tỏ. Tuy nhiên, chị nhanh chóng nhận ra đấy là sai lầm khi nhiều siêu thị và các bên ngỏ ý thu mua với sản lượng lớn. “Phải có vùng nguyên liệu mới cung cấp được nhiều cho thị trường, nếu làm nhỏ lẻ thì chẳng ai kí hợp đồng với mình cả. Cho nên, mình phải tìm cách mở rộng vùng trồng”, chị nhận xét.
 
Đó là lý do khiến chị nghĩ đến việc thành lập hợp tác xã. Dưới sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện Tân Yên và Hội Liên hiệp phụ nữ Tân Yên, Hợp tác xã măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã ra đời năm 2018 với vỏn vẹn tám thành viên, diện tích trồng măng lục trúc khi đó khoảng hơn 5 ha.
 
Tinh thần chủ động hỗ trợ những thành viên của hợp tác xã đã giúp con số này nhanh chóng tăng lên 25 thành viên với hơn 40 ha vào năm 2021. “Chúng tôi cung cấp giống cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, bao tiêu sản phẩm, mình hỗ trợ trong mọi công đoạn”, chị Luyện cho biết. “Bất cứ lúc nào họ cần mình đều có mặt, trước đây không có xe ô tô, có những nơi cách đây gần trăm cây số, chúng tôi cũng bỏ tiền túi ra thuê xe đến tận nơi”. Việc chủ động đã mang lại hiệu quả rõ ràng với người trồng măng: “Giá bán măng năm ngoái là 80 nghìn đồng/kg, năm nay dự kiến khoảng 120 nghìn/kg, khi thấy hiệu quả thì mọi người cũng muốn làm”, chị bày tỏ.
 
Đồi chè bản Ven (xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).
 
Chủ động “từ A đến Z”
 
Bên cạnh những nhãn hiệu nông sản ra đời từ chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, có một số trường hợp đặc biệt đã nghĩ đến việc tự xây dựng thương hiệu nông sản trước khi có sự hỗ trợ từ phía chính quyền. Đó là câu chuyện của hợp tác xã Thân Trường (Bắc Giang) với thương hiệu chè bản Ven. Mặc dù có hương vị đặc biệt - “hương thơm rất sâu, vị thanh chứ không đắng chát” nhờ bí quyết ủ chè truyền thống của người Cao Lan sinh sống lâu đời ở đây song chè bản Ven (xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) vẫn có phần mờ nhạt trên thị trường.
 
Mong muốn hồi sinh thương hiệu chè bản Ven đã thúc đẩy chị Lý Thị Hợi, Phó Giám đốc Hợp tác xã Thân Trường cùng các thành viên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè bản Ven vào năm 2015 - chỉ hơn một năm sau khi thành lập hợp tác xã. “Hợp tác xã hoàn toàn tự làm, tự chuẩn bị giấy tờ hồ sơ đăng ký. Thực ra đăng ký nhãn hiệu cũng đơn giản, điều quan trọng là phải duy trì phát triển như thế nào”, chị nhận xét. Đây cũng là bài toán mà nhiều địa phương hiện nay đang đi tìm lời giải. Không ít trường hợp các nhãn hiệu, thậm chí là chỉ dẫn địa lý cho nông sản tốn nhiều công xây dựng nhưng không hiệu quả, thậm chí còn không được sử dụng trong thực tế.
 
Việc thực hiện mục tiêu này không phải là điều đơn giản, nhất là khi Bắc Giang lại nằm gần các vùng đất chè nổi tiếng như chè Thái Nguyên, chè Mộc Châu (Sơn La),... thương hiệu chè bản Ven phải chọn hướng đi nào để không bị “lép vế” trước các “ông lớn” này? Chị Lý Thị Hợi và các thành viên của hợp tác xã Thân Trường đã tìm ra câu trả lời thông qua việc gắn các yếu tố văn hóa và du lịch với nhãn hiệu chè bản Ven. Điều này đã thể hiện từ cái tên “chè bản Ven” cho đến bao bì, nhãn mác sản phẩm. “Lúc đầu nhiều người góp ý nên gọi là ‘trà’, nhưng chúng tôi vẫn quyết định gọi là ‘chè’ bởi vì đây là cách gọi truyền thống của người dân nơi đây”, chị giải thích. “Màu bao gói là màu chàm, vì đây là màu áo truyền thống của người dân tộc Cao Lan, các họa tiết trên bao bì cũng là họa tiết trên áo người Cao Lan”. Với mục tiêu đảm bảo hương vị chè nguyên gốc theo bí quyết của người Cao Lan, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn hơn, hợp tác xã Xuân Trường đã đưa cả dây chuyền máy móc vào các bước sao chè, ủ chè, đóng gói,... “Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng hỗ trợ một máy sao, một máy sấy, hai máy vò chè. Bây giờ, chỉ có mỗi hái chè là làm thủ công thôi”, chị Hợi cho biết.
Nỗ lực tạo dấu ấn riêng cho chè bản Ven đã giúp thương hiệu này có được chỗ đứng riêng trên thị trường và thu hút nhiều người trồng chè tham gia sử dụng nhãn hiệu này. Đến nay, số lượng thành viên chính thức trong hợp tác xã vẫn giữ nguyên 7 người như lúc mới thành lập song số lượng thành viên liên kết không ngừng gia tăng. Diện tích chè bản Ven hiện nay cũng tăng lên mức khoảng 300 ha, chiếm 60% tổng diện tích chè trên toàn huyện.
 
 
Sự mở rộng vừa là tín hiệu đáng mừng song cũng là thách thức trong kiểm soát chất lượng sản phẩm. Để tránh trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, Hợp tác xã Thân Trường luôn đưa ra quy chế rõ ràng trong sản xuất. “Hiện nay chúng tôi đang theo quy trình sản xuất VietGap, sắp tới sẽ hướng đến hữu cơ. Có thành viên không thực hiện đúng theo quy định, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh mục cho phép, sau khi nhắc nhở nhiều lần đã bị loại ra, không được sử dụng nhãn hiệu chè bản Ven nữa”, chị Hợi cho biết. Điều thuận lợi là phần lớn người dân cũng ý thức được việc giữ gìn danh tiếng của nhãn hiệu, “bản thân họ cũng bảo bây giờ có nhãn hiệu rồi mà không giữ gìn được thì thật là tiếc”, chị kể lại.
 
“Chất xúc tác” của chính quyền
 
Những trường hợp trên cho thấy, sự chủ động của người dân là nội lực quan trọng để các thương hiệu nông sản phát triển bền vững. Tuy nhiên, về lâu dài, để các sản phẩm mang thương hiệu này tiếp tục hoàn thiện hơn, không thể thiếu sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ với trường hợp măng lục trúc, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể măng lục trúc “Lâm Sinh Ngọc Châu” cho Hợp tác xã măng Lâm Sinh Ngọc Châu vào năm 2020 trong Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 68). Không chỉ giúp sản phẩm tránh bị mạo danh, nhãn hiệu tập thể còn cung cấp cơ chế để kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn bởi lẽ, hợp tác xã có quyền giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nhãn hiệu tập thể của các thành viên. Đây là lý do bên cạnh măng lục trúc, nhiều nhãn hiệu khác do tỉnh Bắc Giang hỗ trợ đăng ký bảo hộ như trám đen, lạc Hiệp Hòa, nhãn Yên Thế,... đều nhận được sự ủng hộ của người sản xuất.
 
Bên cạnh việc hỗ trợ những thương hiệu nông sản đã có, sự tham gia của chính quyền là điều cần thiết để “khai phá” những đặc sản truyền thống của địa phương. Tiêu biểu trong số đó là trám đen ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Vốn là loại quả dân dã có mặt trong các món ăn truyền thống nơi đây, song những năm gần đây, hương vị thơm ngon của trám đen Hiệp Hòa đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Mặc dù giá bán khoảng hơn 100 nghìn đồng/kg nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng “cung không đủ cầu”. Nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây này, tỉnh Bắc Giang đang tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho trám đen Hiệp Hòa.
Theo https://khoahocphattrien.vn