Toàn bộ diện tích vải thiều của gia đình anh Ngô Văn Cường đều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP
 
Năm 2021, Bắc Giang tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp &PTNT, các doanh nghiệp xuất khẩu lập hồ sơ khảo sát cấp mã số vùng trồng vải thiều đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài vải thiều của bà con huyện Lục Ngạn thì năm nay người dân của huyện Tân Yên cũng đang sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.
 
Vào những ngày này quả vải thiều  đang chuẩn bị vào cùi, để chăm sóc đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản thì trong suốt thời gian qua thì gia đình bà Phạm Thị Hà ở thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, đều tuân thủ đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đã được hướng dẫn. Bà Hà cho biết, định kỳ, từ một đến hai tuần cán bộ Phòng Nông nghiệp &PTNT và cán bộ khuyến nông đến kiểm tra quy trình sản xuất, sổ nhật ký của gia đình để hướng dẫn phương pháp chăm sóc cho phù hợp. Qua đây, mong muốn được các cấp quan tâm, tạo điều kiện để xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
 
Cũng giống như gia đình bà Hà, gia đình anh Ngô Văn Cường ở cùng thôn có trên 2 ha trồng hơn 300 cây vải thiều. Năm nay, toàn bộ diện tích này gia đình anh Cường tham gia trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang Nhật Bản. Toàn bộ quy trình đều được cán bộ thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc bảo đảm an toàn và tuân thủ nghiêm việc ghi nhật ký bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước sạch tưới cho cây, không dùng thuốc trừ sâu bệnh trôi nổi mà theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Vì thế, hơn 2 ha vải thiều của gia đình phát triển tốt, nhiều quả, đủ điều kiện dán tem truy xuất nguồn gốc. Dự kiến vườn vải của gia đình anh Cường năm nay đạt khoảng 18 tấn.
 
Anh Ngô Văn Cường cho biết, tham gia sản xuất để xuất khẩu thì toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật đều tuân theo sự chỉ đạo của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện và cán bộ khuyến nông xã. Dùng những dòng thuốc thảo mộc, sinh học để đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm và ghi chép nhật ký sản xuất tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn.
 
Hiện tại, toàn xã Phúc Hòa có gần 820 ha, trong đó có 370 ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tập trung ở thôn Lân Thịnh, Quất Du 2 và Quất Lễ, bình quân mỗi năm sản lượng khoảng 7.000 tấn. Nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng năm UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, năm 2020, xã có mô hình sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản với tổng diện tích là 05 ha, có 11 hộ gia đình tham gia. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên không xuất khẩu được. Năm 2021, huyện Tân Yên vẫn tiếp tục chỉ đạo xã Phúc Hòa xây dựng vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc với diện tích là 10 ha. Các gia đình tham gia được tập huấn về quy trình sản xuất của Bộ Nông nghiệp &PTNT.
 
Để thực hiện duy trì diện tích vải thiều xuất khẩu ở huyện Tân Yên, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, ban điều hành, tổ hợp tác và nông dân quy trình sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ. Đồng thời, hướng dẫn quy trình sản xuất, phòng chống dịch hại, danh mục thuốc bảo vệ thực vật, được phép sử dụng và các yêu cầu khác của thị trường Nhật Bản. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được hoàn thành.
 
Cùng với cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện Tân Yên cũng có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất vải thiều.
 
Anh Hà Văn Tuyển- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Tân Yên cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch rà soát các vùng sản xuất tập trung, sau đó có kế hoạch chỉ đạo. Riêng vụ vải thiều năm 2021, UBND huyện Tân Yên xây dựng 02 mã vùng để xuất khẩu đi Nhật Bản. Trong đó, tập trung ở xã Phúc Hòa với diện tích 10ha, huyện có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ tham gia như hỗ trợ chứng nhận lại GlobalGAP, thùng đựng và bao bì sản phẩm. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, tư nhân phục vụ mua và ký hợp đồng với nông hộ thu mua sản phẩm quả trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm quả có thế mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.
Theo khuyennongbacgiang.com