Dự kiến sản lượng vải năm 2021 toàn tỉnh đạt trên 180 nghìn tấn

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ vải năm 2021, thời tiết thuận lợi cho cây ra hoa và đậu quả, dự kiến sản lượng đạt trên 180 nghìn tấn. Hiện nay, các trà vải đều sinh trưởng phát triển tốt, thời gian thu hoạch vải chín sớm dự kiến sẽ tập trung từ ngày 15/5 - 10/6/2021; vải chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6 - 20/7/2021.

Để làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất và chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho xuất khẩu vải tươi năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện trồng vải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, vệ sinh vườn, tỉa cành thông thoáng, tỉa bớt quả nhỏ, quả kém phát triển đối với những chùm quả sai để tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Đối với trà vải chính vụ thu hoạch từ đầu tháng 6 trở đi, cần bón bổ sung phân bón kali và các nguyên tố vi lượng phun qua lá để mẫu mã quả đẹp và nâng cao chất lượng sản phẩm; trường hợp nắng nóng, hạn kéo dài, áp dụng biện pháp chăm sóc hạn chế cháy vỏ quả như: che nắng, tưới nước đủ ẩm, tưới đều xung quanh gốc, không tưới đẫm ngay để tránh hiện tượng sốc nước. Tăng cường công tác điều tra phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại từ nay đến cuối vụ, đặc biệt là sâu đục quả, bệnh thán thư bằng các loại thuốc BVTV đặc hiệu, có trong danh mục được phép sử dụng trên cây vải và thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly; ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn, để đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt việc quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện; xử lý nghiêm tình trạng buôn bán sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Chuẩn bị các điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc như quản lý, kiểm tra các mã số vùng trồng đã được phía Trung Quốc chấp thuận về áp dụng các biện pháp chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân; hướng dẫn cách thu hoạch, bó túm, ngắt lá, cắt cuống theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc; kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc chấp thuận mã cơ sở đóng gói, cần chuẩn bị tốt các điều kiện theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc như: thùng xốp, bao bì, tem nhãn...

Đối với thị trường Nhật Bản và các thị trường mới (Mỹ, Úc, EU...) chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ công tác, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các vùng trồng, ghi chép nhật ký đồng ruộng; đặc biệt giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV để đảm bảo vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu. Khẩn trương mời các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong các mã vùng trồng, đồng thời tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát kịp thời để sản phẩm đủ tiêu chuẩn phục vụ cho xuất khẩu.

Theo:khuyennongbacgiang.com