Cây vú sữa trồng thích hợp trong điều kiện nhiệt đới nhiệt độ 22-340C, trên nhiều chân đất khác nhau. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng, nên trồng trên đất phù sa ven sông hoặc, đất thịt nhẹ thoát nước tốt, ít chua, pH = 5,5-6,5, độ cao không quá 400m hoặc ở những vùng có hai mùa mưa nắng rõ rệt, cây vú sữa ra hoa và đậu quả rất tốt.
1. Thời vụ trồng
Vú sữa có thể trồng quanh năm nhưng nên trồng vào mùa xuân (tháng 2-3) hoặc đầu mùa mưa: tháng 7-8 đối với Bắc Bộ.
2. Mật độ và khoảng cách trồng
Tùy theo chiều rộng mặt luống mà bố trí số hàng cây. Với luống rộng 7-8m thì bố trí trồng một hàng cây ở giữa luống, khoảng cách 7-8 m/cây, mật độ 5- 6 cây/ sào BB.
Với luống rộng 9-10m, trồng hai hàng theo kiểu nanh sấu, khoảng cách 9-10 m/cây, mật độ từ 3-4 cây/sào BB. Có thể trồng xen rau màu hoặc các loại cây ngắn ngày trong 1-3 năm đầu để tăng thu nhập.
3. Chuẩn bị hố trồng, cách trồng
Cũng như trồng các loại cây ăn quả khác, trước khi trồng 15-20 ngày tiến hành đào hố. Hố rộng và sâu mỗi chiều khoảng 60-70 cm. Xử lý vôi bột 1-1,5 kg vôi bột/ hố. Bón lót cho mỗi hố 10-20 kg phân hữu cơ mục và 0,5 kg NPK 16-16-8, trộn với đất mặt đủ lấp đầy hố. Trồng cây xong tưới nước ngay và giữ ẩm gốc thường xuyên mùa mưa không để đọng nước.
Đặt bầu cây thẳng đứng, mặt bầu ngang với mặt mô trồng, cắt bỏ vỏ bầu, lắp đầy hố bằng hỗn hợp nêu trên, nén chặt, cắm cọc cố định và tưới nước.
Có thể dùng vật liệu hay trồng cây che bóng như chuối… để hạn chế ánh sáng mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến cây trong 1-2 năm đầu.
Rễ vú sữa ăn nông, nhiệt độ của đất cao,vào mùa nắng sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ, do đó cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng lá khô, rơm rạ, cỏ khô… để giữ ẩm cho đất, nên tủ cách gốc 40-50cm.
4. Tỉa cành, tạo tán
Trong các năm đầu nên tỉa bớt cành, chỉ để lại các cành phân bố cành đều theo các hướng, tạo cho cây có tán tròn đều và khống chế chiều cao không vượt quá 4 - 4,5m. Cắt bỏ cành vượt trong tán, cành sâu bệnh, cành phụ ốm yếu mọc liên tiếp trên cùng một cành chính, cành mọc gần mặt đất.
Vào sau mỗi vụ thu hoạch cần tỉa các cành mọc đứng bên trong tán, cành rũ, cành ốm yếu, sâu bệnh… để giúp cây thông thoáng và sớm ra chồi mới.
Đối với vườn có độ tuổi từ 20 năm trở lên, cây cao quá 6m nên tiến hành trẻ hoá cho cây. Kỹ thuật trẻ hoá nên được áp dụng liên tiếp trong 3 - 4 năm, mỗi năm trên từng phần của cây để đảm bảo mức thu nhập.
Sau mỗi vụ thu hoạch nên cưa bỏ 1-2 cành vươn cao, ít lá và có biểu hiện sinh trưởng, năng suất kém nhất trên tán cây. Cưa ngắn các cành này còn 30- 50cm tính từ gốc cành. Khi cưa nên rót nước liên tục vào vết cưa nhằm tránh nhiệt độ cao do ma sát gây chết mô cây ảnh hưởng đến khả năng tái sinh chồi sau này, vết cưa nghiêng 450để tránh đọng nước. Sơn phủ bề mặt vết cưa bằng dung dịch CuSO4. Khoảng 15-20 ngày sau dưới mỗi vết cưa sẽ phát triển 5-15 chồi mới, nên tỉa bớt số chồi mới chỉ giữ lại 2-3 chồi khỏe và ở vị trí đều quanh cành. Khi chồi mới phát triển đến chiều dài 50-60cm thì tiến hành loại bỏ đỉnh sinh trưởng để kích thích chồi phân cành. Lưu ý quan sát và phòng trừ sâu hại cho cành mới.Cành mới có khả năng cho quả sau 12-18 tháng.
5. Tưới nước
Tưới nước đầy đủ là yếu tố thiết yếu đối với cây vú sữa nhằm đảm bảo sinh trưởng. Tưới đẫm sau thời kỳ khô hạn tạo tác dụng ra hoa đồng loạt cho cây và đảm bảo tỉ lệ đậu quả cao.
- Giai đoạn cây con: cần cung cấp đầy đủ cho cây vú sữa. Tưới 3-5 lần/ tuần, tùy theo thời tiết hoặc nhu cầu của cây, giảm tỷ lệ cây chết và phát triển nhanh đặc biệt trong 3 năm đầu.
- Giai đoạn cây ra hoa và mang quả cần tưới nước 2-3 ngày/ lần.
Sử dụng nguồn nước sạch đã được kiểm tra đánh giá trong ngưỡng cho phép sử dụng để tưới, pha phân bón, phun thuốc BVTV, rửa dụng cụ vật tư, … Nghiêm cấm sử dụng nước thải từ các khu công nghiệp, bệnh viện, trang trại chăn nuôi, nước phân chưa qua xử lý.
6. Bón phân
- Bón phân đều xung quanh và cách gốc khoảng 2/3 đường kính tán cây.
- Từ khi trồng đến một năm: tưới 20-30g phân NPK hòa trong 20l nước/cây/lần/tháng.
- Từ 1-3 năm: bón tổng lượng phân/cây/năm là hỗn hợp 1-2kg phân Urea + + NPK (20-20-15) với tỉ lệ 1/1/1 chia đều làm 4 lần bón trong một năm, mỗi lần cách nhau 2 - 3 tháng.
* Bón phân cho cây trưởng thành, đã cho quải ổn định
Cây vú sữa từ năm thứ 5 sau khi trồng, bước sang giai đoạn cho quả ổn định, và cũng là bắt đầu giai đoạn kinh doanh. Nên bón 4 lần phân vào các giai đoạn: xử lý ra hoa, đậu quả, nuôi quả và trước thu hoạch 1 - 2 tháng. Liều lượng phân bón thay đổi, tăng dần theo tuổi cây từ 5 - 20 năm.
Lần 1: Bón vào giai đoạn xử lý ra hoa ngay sau khi thu hoạch vụ trước: 5 –10 kg vôi bột. 10-15 ngày sau bón tiếp với hỗn hợp 20-40kg phân hữu cơ hoai mục + 3-4kg NPK (20-20-15).
Lần 2: Bón lúc quả có đường kính khoảng 1cm với lượng 1-2 kg Urea + 1-2kg NPK/cây.
Lần 3: Bón lúc quả có đường kính khoảng 3cm, với hỗn hợp 2-3kg phân NPK 20-20-15 + 1-2 kg KCl/cây.
Lần 4: Bón trước thu hoạch 2 tháng với liều lượng 1-2kg phân NPK + 1-2 kg KCl/cây.
Các lần bón phân nói trên cách nhau khoảng 2 tháng.
* Phương pháp bón:
Trước khi bón phân nên tiến hành thu dọn toàn bộ vật liệu tủ gốc rồi bón lên mặt luống (mô) hoặc xới rãnh sâu 5-10 cm ở 2/3 đường kính tán cây, bón phân vào rãnh. Sau khi bón phân nên che phủ gốc bằng các vật liệu hữu cơ và tưới nước liên tục 5-7 ngày cho phân tan vào đất.
Lưu ý khi sử dụng phân bón:
Phân chuồng phải được ủ hoai mục, tuyệt đối không sử dụng phân chuồng tươi, phân chưa qua xử lý.
Chỉ sử dụng các loại phân bón, chất bổ sung, kích thích có trong danh mục phân bón được phép sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.
Phải đánh giá các nguy cơ ô nhiễm về hóa học sinh học của phân bón chất bổ sung lên sản phẩm.
Ghi chép thông tin và lưu hồ sơ về các loại phân bón sử dụng, số lượng, phương pháp bón, thời gian, địa chỉ và tên người cung ứng.
* Xử lý ra hoa:
Xử lý ra hoa cho vú sữa khi cây đã trưởng thành, cho quả ổn định từ năm thứ 7 trở đi bằng phương pháp điều tiết nước và bón phân. Gom sạch lá rụng trên mặt luống để phơi khô đất, đồng thời xiết cạn nước. Sau khi thu hoạch xong, tỉa bỏ quả non còn sót lại và tỉa các loại cành già, cành vô hiệu, cành vượt, cành sâu bệnh.
Bơm nước tràn trên mặt luống 2 - 3 lần, 4 - 5 ngày/lần, yêu cầu đảm bảo mặt luống phải thật ẩm (bơm nước ngâm luống trong 1 -2 ngày).
Bón toàn bộ lượng phân đợt 1, tưới nước cho tan phân sau mỗi lần bón.
Tưới liên tục 3 lần/tuần cho đến khi cây ra hoa.
7. Thu hoạch, bảo quản
Thời gian từ khi đậu quả đến khi thu hoạch từ 180 - 200 ngày tùy theo giống, mùa vụ. Tiến hành thu hoạch khi trái đã chín sinh lý trên cây. Quả phát triển đạt đến hình thái, màu sắc đặc trưng của giống.
Giống vú sữa Lò Rèn khi đến độ thu hoạch quả có vỏ bóng sáng, màu vỏ chuyển từ xanh nhạt sang màu kem đến hơi nâu ở phần đáy quả. Thu hoạch đảm bảo thời gian cách lý với thuốc BVTV và phân bón trước khi thu sản phẩm.
Khi thu hoạch nên cắt cả cuống trái dài 1-2 cm, loại bỏ quả có vết sâu bệnh, tổn thương và bao quả bằng các loại bao giấy nhằm tránh trầy xướt trong quá trình vận chuyển.
Các dụng cụ thu hái, vật liệu đóng gói cần đảm bảo vệ sinh để ngăn ngừa các nguy cơ gây hại lên sản phẩm.
BBT