Lục Ngạn có điều kiện tự nhiên chù phú, đa dạng để phát triển vườn đồi, trang trại, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, có giá trị kinh tế cao. Được người dân cả nước biết đến với nhiều loại quả thơm ngon đặc sản, đặc trưng vùng miền như vải thiều, cam, bưởi… ngoài ra, có một số sản phẩm như nhung hươu, mật ong, gà đồi cũng là một thế mạnh phát triển của huyện.

Trong những năm qua, sản phẩm nhung hươu Lục Ngạn được rất nhiều khách hàng tin dùng và lựa chon. Nuôi hươu lấy nhung ở Lục Ngạn đang phát triển khá mạnh, là sản phẩm thế mạnh, riêng biệt không phải vùng nào cũng có. Tuy nhiên, trước đây giá trị mang lại chưa thật sự xứng với tiềm năng. Năm 2020- 2021, Trung Tâm DVKTNN huyện Lục Ngạn hỗ trợ, triển khai mô hình chăn nuôi hươu, với quy mô là 42 con ở các xã Sơn Hải (6 con) , Đồng Cốc (14 con), Nam Dương (3 con), Đèo Gia (13 con), Sa Lý (6 con). Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trơ 65% giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh trong quá trình chăn nuôi.

Cán bộ khuyến nông xã Sơn Hải thăm mô hình chăn nuôi hươu

Được biết đến là một trong những hộ chăn nuôi hươu quy mô lớn ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, gia đình ông Trịnh Văn Cảnh ở thôn Lâm hiện đang nuôi hươu cho biết: do ít vốn nên ban đầu gia đình chỉ đầu tư mua 5 con hươu sao giống về nuôi. Nhờ áp dụng kiến thức nuôi hươu học được sau lần tham quan mô hình tại các mô hình nuôi hươu khác, đàn hươu phát triển, sinh sản tốt. Sang năm thứ hai, đàn hươu bắt đầu sinh sản lứa thứ nhất.

Những năm đầu, ông Cảnh chủ yếu gây giống để nhân đàn. Sau đó, mở rộng quy mô chuồng nuôi, đến nay đàn hươu phát triển lên 58 con, trong đó 21 con đực đang cho khai thác nhung, 22 con nái và 15 hươu con được 5 đến 6 tháng tuổi. Mỗi con đực sau khoảng 18 tháng tuổi bắt đầu cho khai thác nhung. Lần đầu khai thác, mỗi con cho từ 1,5 - 2 lạng nhung. Những năm tiếp theo sản lượng đạt cao dần lên và đến năm thứ 7 thì sản lượng nhung đạt cao nhất, mỗi con đạt 1,6kg nhung/năm, cá biệt, những con to đạt 1 – 1,2 kg nhung/con/ lần khai thác.

Thời gian khai thác nhung theo mùa, mỗi con hươu cho 2 đợt nhung. Hươu ra nhung khoảng từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau là cắt mẻ nhung cuối cùng. Nhung ra nhiều nhất là tháng 2, khi mùa xuân đến, mùa của đâm chồi nảy lộc nên con nào cũng ra nhung bất kể là ra lần một hay lần hai. Nếu tháng 2 ra nhung thì đến tháng 5 được cắt nhung.

Trong quá trình chăn nuôi, ngoài kinh nghiệm thực tế và sự giúp đỡ kỹ thuật của cán bộ Trung tâm, ông Cảnh còn chịu khó tìm học tài liệu kỹ thuật chăm sóc. Do vậy, ông đã nắm được đặc tính của hươu. Chăm sóc hươu không khó, thức ăn của chúng chủ yếu là lá cây rừng, cỏ đồi, cỏ voi và các loại rau, củ, quả. Từ tháng 10 trở đi, giai đoạn trước khi lên nhung khoảng 3 tháng thì người nuôi nên chăm sóc bổ sung dinh dưỡng cho hươu để nhung được to, phát triển tốt. Đến giai đoạn này, người nuôi hươu nên bổ sung thêm mầm ngô, đậu tương bằng cách ngâm ủ hạt giống như làm giá đỗ để cho hươu ăn và cần cho ăn cà dốt để có được màu nhung đẹp hơn, chất lượng nhung tốt.

Ông Cảnh chia sẻ, Hươu là loài vật dễ nuôi, chủ yếu nuôi nhốt. Vốn đầu tư ban đầu không lớn, chỉ từ 25 triệu đồng/cặp giống. Khi hươu đủ 2 tuổi bắt đầu sinh sản, trong khi hươu đực cũng cho khai thác nhung lần đầu. Đợt khai thác nhung vừa qua, gia đình tôi thu hoạch được 18kg nhung, với giá bán tại nhà dao động từ 18 – 20 triệu đồng/kg tùy thời điểm, trừ các khoản chi phí đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Học tập mô hình của ông Cảnh, hiện nay trên địa bàn Huyện Lục Ngạn có hơn 60 hộ nuôi hươu, quy mô mỗi hộ khoảng từ 5- 50 con. Cùng đó, ông Cảnh cũng hỗ trợ kỹ thuật và bán giống cho các hộ trên địa bàn để mở rộng quy mô, phát triển mô hình và cho hiệu quả khá tốt.

Anh Lâm Nguyên Năng – Giám Đốc Trung Tâm DVKTNN huyện cho biết, ông Trịnh Văn Cảnh nuôi hươu được gần 20 năm, đây là mô hình chăn nuôi hươu tiêu biểu của huyện. Thực tế nuôi hươu của ông Cảnh cho hiệu quả rõ rệt. Tới đây, Trung Tâm sẽ đẩy mạnh, khuyến khích lan tỏa mô hình chăn nuôi này.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/