1. Chuồng trại
- Nên làm chuồng gia súc xa nhà dân. Mái chuồng nên làm đơn giản, có thể bằng tranh, tre, lá, ... để chống được nóng trực tiếp. Nếu có điều kiện bà con nên lợp bằng brôximăng 2 mái để tăng cường độ thoáng của chuồng.
2. Mật độ nuôi:
- Trong mùa hè nên giảm mật độ nuôi, nhất là các gia súc, gia cầm nuôi nhốt.
Mật độ nuôi nhốt đối với lợn nái là 3-4 m2/con, lợn thịt là 2 m2/con.
Mật độ nuôi nhốt đối với trâu, bò thịt: 4-5m2/con, dê 1,8-2m2/con.
Về mật độ nuôi đối với gà: gà con 50-60 con/m2, sau đó theo thời gian sẽ giảm mật độ và tăng diện tích nuôi gà lên, với gà nuôi thịt trọng lượng 0,5-1kg/con 20-30 con/m2, gà 2-3kg/con 7-10 con/m2. Nên có sào đậu cho gà vào mùa hè.
- Số lượng máng ăn, máng uống trong mùa hè cũng cần được tăng cường thêm.
3. Chống nóng chuồng nuôi:
Quạt thông gió: Nên đặt quạt thông gió theo thế nằm ngang, quạt theo hướng gió thổi, độ cao của quạt ở ngang tầm lưng của gia súc. Mục đích của quạt là làm giảm các khí CO2, NH3... có trong chuồng nuôi. Quạt treo từ trần chuồng thổi gió xuống dưới hiệu quả chống nóng thấp vì thường thổi khí nóng từ mái chuồng xuống gia súc.
Đối với chuồng kín cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt thông gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng.
Giàn mưa, phun ẩm: Là hệ thống phun mưa lên nóc chuồng nuôi, nhằm giảm nhiệt độ mái chuồng lúc trời nắng to khi nhiệt độ bên ngoài trời lên cao trên 35 độ C. Khi phun mưa cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió và thoát nước ở xung quanh chuồng để tránh nâng cao ẩm độ trong chuồng.
Xung quanh chuồng nuôi trồng cây xanh để giảm bức xạ nhiệt và chỉ trồng cây có tính sát khuẩn, tránh trồng cây dây leo bò trên mái các chuồng nuôi.
4. Công tác vệ sinh phòng bệnh mùa hè:
- Tăng cường vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Nền chuồng phải sạch, khô ráo, cống rãnh phải sạch, không đọng phân, nước. Hạn chế phát sinh ruồi, muỗi, rận... trong mùa hè.
- Định kỳ phun thuốc sát trùng để chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè.
- Thường xuyên phát hiện sớm các gia súc ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời tránh để bênh lây lan rộng. Cần quan tâm nhất là các bệnh đường tiêu hoá bằng cách chủ động cho gia súc ăn, uống thuốc ở liều phòng bệnh.
Tiêm phòng đầy đủ các loại vacccin cho gia súc gia cầm để tăng khả năng miễn dịch.
5. Chế độ cho ăn, cho uống:
Những ngày nắng nóng nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng nuôi cao, cơ thể gia súc, gia cầm phải chống đỡ với những điều kiện bất lợi đó, thường bỏ ăn, uống nhiều. Cần phải thực hiện một số biện pháp sau:
- Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin..., tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần.
- Những đợt nắng nóng kéo dài, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hồn hợp thường cho ăn vào ban ngày chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát trong ngày.
- Đảm bảo thường xuyên có đủ nước mát cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng. Tốt nhất bà con nên lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống.
- Để chống stress cho gia súc, gia cầm những ngày nắng nóng cần bổ sung vào nước uống vitamin C, các chất điện giải hoặc nước pha muối với nồng độ 1% (10-15g muối/1 lít nước). Đối với nuôi gà đẻ mật độ 8 con/m2, gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao, nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh. Tăng sức đề kháng cho gà bằng cách cho uống Vitamin C, chất điện giải, tránh hoặc hạn chế sử dụng vitamin nhóm B, và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin cho gà.
- Riêng đối với gà giống hậu bị, giống nuôi công nghiệp trên lớp đệm lót: Để chống ẩm ướt nền nhà đệm lót trong những ngày quá nóng, bà con nên khống chế lượng nước uống của đàn gà, tính theo lượng nước uống cho đàn gà trong ngày chỉ nên bằng 2 lần lượng thức ăn cho ăn trong ngày đó.
- Đối với trâu, bò: Buổi sáng đi chăn thả sớm: 6 giờ thả, 9 giờ về; buổi chiều chăn thả muộn: 16 giờ thả, 18 giờ về chuồng. Nên buộc ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu, bò nghỉ ngơi.
6. Chế độ tắm, chải:
- Đối với bò sữa, lợn nái, lợn thịt, lợn con trong mùa nóng bà con nên định kỳ tắm chải cho gia súc để giảm nhiệt cho cơ thể và vệ sinh thân thể phòng chống các bệnh ngoài da.
Cần tắm cho lợn 2 lần/ngày (buổi sáng thời gian từ 8-9 giờ, buổi chiều từ 15-16 giờ không nên tắm cho lợn vào lúc trời nắng to vào khoảng thời gian từ 11-14 giờ),
Khi gia súc bị bệnh ngoài da bà con có thể dùng dung dịch pha Dipterex để tắm chải chữa bệnh.
- Chú ý: Đối với lợn con theo mẹ cần giữ ấm và khô ráo nền chuồng.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/
- Hội thảo khoa học: Mô hình chăn nuôi bò thịt lai (Blanc-Blue-Belge) thương phẩm thành hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (23-10-2024)
- Lạng Giang: Cán bộ khuyến nông thành công với mô hình vỗ béo bò thịt (30-08-2022)
- Nuôi thỏ, trồng rau công nghệ cao, nông dân giỏi ở Bắc Ninh là những tỷ phú, triệu phú (16-08-2022)