1. Nguyên tắc
- Bà con lựa chọn phân bón và các chất phụ gia nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm lên quả. Bà con chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
- Không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (chưa được ủ hoai mục). Trong trường hợp phân hữu cơ được xử lý tại chỗ, bà con phải ghi lại thời gian và phương pháp xử lý. Trường hợp không tự sản xuất phân hữu cơ, bà con phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân và thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại, phương pháp xử lý.
- Bà con chú ý các dụng cụ để bón phân sau khi sử dụng phải được vệ sinh và phải được bảo dưỡng thường xuyên.
- Nơi chứa phân bón hay khu vực để trang thiết bị phục vụ phối trộn và đóng gói phân bón, chất phụ gia cần phải được xây dựng và bảo dưỡng để đảm bảo giảm nguy cơ gây ô nhiễm vùng sản xuất và nguồn nước.
- Ghi chép, lưu giữ hồ sơ về quá trình ủ phân hữu cơ, mua, tiếp nhận phân bón và sử dụng phân bón.
- Lưu giữ hồ sơ phân bón và chất phụ gia khi mua (ghi rõ nguồn gốc, tên sản phẩm, thời gian và số lượng mua).
- Lưu giữ hồ sơ khi sử dụng phân bón và chất phụ gia (ghi rõ thời gian bón, tên phân bón, địa điểm, liều lượng, phương pháp bón phân và tên người bón).
2. Kỹ thuật bón phân
Đây là thời kỳ cây vải tập chung dinh dưỡng nuôi quả, nếu cây vải được chăm sóc bón phân tưới nước đầy đủ và đúng cách sẽ cho quả to, mẫu mã đẹp, giá trị được nâng lên rõ rệt. Các biện pháp kỹ thuật cần áp dụng như sau:
- Sau khi vải đậu quả được 10 - 15 ngày bà con cần bón bổ sung phân đạm và Kali để quả vải có vỏ dày sau này quả lớn ít bị nứt và duy trì mầu sắc lá khoẻ đảm bảo nuôi quả tốt.
+ Lượng bón: dùng từ 0,1- 0,2 kg urê bón cho 10 m2 tán.
+ Cách bón: Bà con rắc đều urê vào trong tán cây sau đó bơm nước đẫm cho tan phân và đủ ngấm ẩm. Sau khi bón phân đạm bổ sung khoảng 5 ngày bà con cần bơm thêm 1 đợt nước. Ngoài ra, bà con có thể dùng các loại phân giàu đạm như: phân gia cầm, phân chuồng (đã qua xử lý), phân NPK… để bón thêm hoặc thay thế.
+ Chú ý: lượng phân bón lúc này nhiều hay ít tuỳ thuộc vào độ sai quả của từng cây để sử dụng cho phù hợp. Đối với những loại phân này bà con cần rải lên bề mặt phía trong tán cây rồi phủ kín bằng một lớp đất mỏng.
- Sau khi bón đạm từ 15 - 20 ngày lúc này quả vải to bằng hạt lạc thì tiến hành bón kali nuôi quả lần 1, sau lần 1 khoảng từ 15 - 20 ngày thì bón kali nuôi quả lần 2. Lượng bón này tuỳ theo độ sai quả và loại đất (nếu là đất cát thì bón nhiều hơn) mức trung bình mỗi lần bón từ 0,1 - 0,2 kg/10m2 tán.
+ Cách bón: Bà con rải đều kali vào trong bóng tán cây rồi bơm nước khắp bề mặt cho tan phân và ngấm ẩm.
- Riêng đối với những cây sai quả, hoặc cây già, cằn yếu bà con có thể bón tăng cường thêm 1 đợt phân nữa vào khoảng 10-20/5 (trước khi thu quả khoảng 15 ngày). Lượng phân bón dùng thêm 0,15 kg urê + 0,1 - 0,2 kg kali/10m2 tán, bón theo cách rải đều kali vào trong bóng tán cây rồi bơm nước tưới ẩm.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/