Chăn nuôi gia cầm và một số loài gia súc ăn cỏ còn nhiều tiềm năng và có lợi thế về chi phí thức ăn, phòng dịch, đầu ra cho sản phẩm… Vì thế, ngành chức năng đã định hướng phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo hướng này nhằm khắc phục những hạn chế trong chăn nuôi hiện nay.

Những năm qua, Bắc Giang luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có đàn vật nuôi lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có 950 nghìn con lợn, 40 nghìn con trâu, 125 nghìn con bò, 20 triệu con gia cầm các loại (trong đó 17 triệu con gà) và một số loài vật khác như dê, thỏ... Tổng sản lượng thịt hơi các loại năm qua đạt 226,6 nghìn tấn, giá trị ước đạt 14,7 nghìn tỷ đồng. 


Mô hình nuôi dê sinh sản của hộ ông Nguyễn Hữu Tiền (bên trái), thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Thế Đại.

Chăn nuôi đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng ngành Nông nghiệp (năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 34,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 4,2%, trong đó chăn nuôi tăng trưởng 3,5%, cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm 42,3% ngành Nông nghiệp).

 

Mặc dù đạt được kết quả tích cực như vậy nhưng chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn còn không ít vấn đề đáng quan tâm. Năm 2021, dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh không phát sinh nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ ngày 14/11 đến 30/11 tại 7 hộ của 4 huyện: Lục Nam, Việt Yên, Tân Yên và Hiệp Hòa với tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy 95 con. 

Đáng lo ngại là bệnh dịch này đến nay chưa có vắc-xin tiêm phòng nên nguy cơ tái phát cao, có thể gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Không chỉ vậy, giá vật tư đầu vào, nhất là thức ăn tăng cũng làm giảm đáng kể hiệu quả sản xuất. 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, giá thức ăn tăng trong khi đầu ra sản phẩm không ổn định, nhiều thời điểm giá thịt lợn giảm mạnh khiến người chăn nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ. Ông Hoàng Văn Quang, thôn Đền Cô, xã Tam Hiệp (Yên Thế) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi cả trăm con lợn mỗi lứa nhưng do giá lợn hơi bấp bênh, dịch bệnh và giá giống tăng nên năm vừa qua, tôi chỉ nuôi chục con lợn thịt. 

Giá cám tăng mạnh lại xuất bán khi giá lợn hơi chưa đến 40 nghìn đồng/kg nên lỗ gần 20 triệu đồng”. Một vấn đề nữa đối với chăn nuôi lợn là ô nhiễm môi trường. Nhiều trang trại ở huyện Lạng Giang, Lục Nam... xả thải gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhiều hộ dân xung quanh...

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá: Đầu ra của chăn nuôi lợn dự báo ngày càng khó khăn do thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm chăn nuôi trong nước và nhập khẩu. Trong khi đó, chăn nuôi gia cầm và gia súc ăn cỏ còn nhiều tiềm năng để phát triển. 

Trước hết là nhu cầu về thịt các loài vật nuôi này còn rất cao, một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ăn các loại thịt gia cầm và đại gia súc. 

Tiếp đó là không gian nông nghiệp, nhất là tại 4 huyện miền núi: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế rộng lớn thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, tận dụng được thức ăn tự nhiên (cây cỏ). 

Dịch bệnh trên những vật nuôi này cũng ít nguy hiểm và xử lý đơn giản, đỡ tốn kém hơn. Rủi ro về thị trường không lớn, chi phí thức ăn nếu phải kéo dài thời gian chăn nuôi thấp hơn nhiều so với nuôi lợn. Đặc biệt, ít ô nhiễm môi trường do việc xử lý chất thải thuận lợi. Chăn nuôi gia cầm còn là sinh kế cho hộ dân, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tăng chu kỳ sản xuất...

Từ thực tế đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ (bò, dê, ngựa). Mục tiêu đề ra tới năm 2025 là tổng đàn bò 137 nghìn con, gia cầm 21 triệu con, dê 35 nghìn con... Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 253,8 nghìn tấn; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) bình quân từ 2,2%/năm (giai đoạn 2016-2020) lên 3%/năm...

Để đạt được các mục tiêu trên, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tiếp tục xác định lợi thế từng vùng để phát triển đàn vật nuôi phù hợp. Sở Nông nghiệp và PTNT chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia cầm và gia súc ăn cỏ của tỉnh. Trong đó đáng chú ý là các đề án về xây dựng thí điểm vùng chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn tại huyện Tân Yên; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát- xơn đối với gà tại huyện Yên Thế; hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống dê trên địa bàn tỉnh. 

Tham mưu xây dựng vùng cấm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (tập trung ở đô thị); đổi mới tổ chức sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị theo hướng tăng lợi ích cho người sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng bền vững, hữu cơ và hoàn thiện hệ thống chăn nuôi thú y nhằm làm tốt công tác phòng, chống dịch, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/