Hiện nay, ruồi đục quả đang gây hại mạnh trên cây ăn quả như: mít, xoài, bưởi, na, ổi, doi, dưa đường… và các cây rau như: bầu bí, mướp, mướp đắng, dưa leo… Chúng xuất hiện và gây hại thường xuyên nhưng càng cuối vụ thì ruồi gây hại càng mạnh làm thất thu nhiều vườn cây ăn quả và giảm chất lượng sản phẩm.
Ruồi đục trái có tên khoa học: Bactrocera cucurbitae. Họ: Tephrididae. Bộ: Diptera. Phân bố: Xuất hiện nhiều ở Đông nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Srilanca, châu Phi . Ký chủ chính là họ bầu bí, bông vải…
1. Đặc điểm và hình thái
- Con trưởng thành hình dạng giống ruồi nhà nhưng nhỏ hơn, hình thon dài, bay khỏe. Cơ thể ruồi dài 5-7mm, sải cánh rộng 10-13mm. Đầu tựa hình bán cầu, mặt trước màu nâu đỏ với nhiều vết đen nhỏ, phía sau đầu có nhiều lông nhỏ. Phần ngực màu nâu đỏ hoặc nâu tối, mặt lưng có một vân vàng hình chữ U. Ở 3 đôi chân, đốt đùi cũng có màu nâu đỏ, đốt chày và bàn chân có màu vàng. Nói chung ruồi cái lớn hơn ruồi đực và phân biệt dễ dàng bởi ống đẻ trứng kéo dài.
- Trứng ruồi có hình dạng quả dưa chuột, dài khoảng 1mm, lúc mới đẻ có màu trắng sữa, khi sắp nở có màu vàng nhạt. Khi dòi nở vỏ trứng tách ra theo một đường dọc.
- Ấu trùng: Ấu trùng non mới nở dài khoảng 1,5mm, miệng có một móc cứng đen, đẫy sức dài khoảng 6-8 mm, màu vàng nhạt. Khi dòi đẫy sức chui ra ngoài hóa nhộng.
- Vỏ nhộng (kén giả) hình trứng dài, lúc đầu có màu vàng nâu, lúc ruồi sắp vũ hóa chuyển sang màu nâu đỏ. Ruồi đục quả thường tăng nhanh, số lượng hại mạnh giai đoạn quả già và chín.
2. Đặc điểm sinh học và sinh thái
Vòng đời: 22-28 ngày.
- Trứng: 2-3 ngày
- Dòi : 8-10 ngày
- Nhộng: 7-12 ngày
- Trưởng thành đẻ trứng 5-7 ngày và có thể sống hàng tháng. Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, thường là sáng sớm hoặc chiều mát, sức bay yếu.
Ruồi cái đẻ trứng trong vỏ quả, một con cái có thể đẻ 150-200 trứng, một quả có thể có nhiều trứng. Dòi nở ra đục vào trong quả gây hại. Trong quả bị hại thường có nhiều con dòi, đẫy sức dòi chui ra ngoài rơi xuống đất hoá nhộng hoặc hoá nhộng trong quả bị rụng.
Ruồi thường đẻ trứng và gây hại từ khi quả già đến chín.
3. Triệu chứng gây hại
Ấu trùng (dòi) đục vào trong quả, vết đục bên ngoài lúc đầu là 1 chấm đen, sau lớn dần có màu vàng rồi chuyển qua nâu. Bên trong quả dòi đục thành đường hầm vòng vèo làm quả bị thối mềm, trái bị hại thay đổi hình dạng, màu sắc. Từ vết đục có thể bị vi khuẩn, nấm xâm nhập vào quả lên men, rụng.
4. Biện pháp phòng trừ
- Thường xuyên thu gom tiêu huỷ các quả bị rụng có dòi hại. Nếu có điều kiện thì bao quả lại sau khi quả đậu 3-4 ngày.
- Sử dụng bẫy dẫn dụ như: Vizubon-D, Sofri Protein 100DD để dẫn dụ ruồi trưởng thành. Phải treo bẫy nơi đầu gió, chỗ mát, cách mặt đất khoảng 1-2 mét. Không treo bẫy ngoài nắng, bẫy sẽ giảm hiệu lực nhanh.
- Sử dụng Sofri Protein 100DD phun lên cây.
* Cách phun:
+ Đối với các cây ăn quả phun mỗi cây khoảng 20-50 ml (tuỳ theo cây to hay nhỏ) thành các đốm nhỏ dưới tán cây.
+ Đối với các loại rau, màu, các loại rau ăn trái có thể phun cách luống hoặc phun bỏ cách đoạn trên luống. Thời gian phun tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng, tránh phun vào những ngày mưa chế phẩm sẽ không có tác dụng hấp dẫn và diệt ruồi.
Phun mỗi tuần 1 lần cho tới khi thu hoạch, không nên phun trực tiếp lên quả.
* Giai đoạn phun:
Chế phẩm cho các loại rau quả: Đối với mướp, mướp đắng, bầu bí nên phun ngay sau khi hoa thụ phấn; với thanh long, ổi, doi, na, dưa đường... phun 20 ngày sau đậu quả; với nhãn, xoài, cam quýt, bưởi phun 2 tháng sau khi đậu quả. Sử dụng 0,5 lít/ha, định kỳ 7 ngày/lần.
Chú ý: Để đạt hiệu quả cao, hạn chế tác hại của ruồi nên vận động các chủ vườn cây ăn quả trong khu vực cùng đặt bẫy hoặc phun đồng loạt và trên diện rộng.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/