Không giống như bao người học để thoát ly lên thành phố, chị Quách Thị Diễm xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang lựa chọn con đường học để trực tiếp phát triển kinh tế của gia đình mình, để giúp đỡ bà con nông dân cùng phát triển kinh tế. Sau khi tốt nghiệp trường Đại Học Nông lâm Thái Nguyên chị Diễm được tiếp nhận vào Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang. Từ đó đến nay, chị luôn là tấm gương tiên phong trong công tác và phong trào làm kinh tế nông nghiệp của huyện nhà.
Tiếp chúng tôi trong buổi chiều mùa thu mát mẻ chị Diễm say xưa chia sẻ: “Sau khi được tiếp nhận vào công tác, quá trình hướng dẫn hỗ trợ bà con trong sản xuất đã cuốn mình vào niềm đam mê làm kinh tế và cảm thấy yêu nghề hơn”.
Theo chị Diễm cán bộ muốn nói để dân làm theo, hướng dẫn người dân làm giàu đúng hướng thì phải có kinh nghiệm thực tế, mà kinh nghiệm muốn có được chỉ bằng cách trực tiếp bắt tay vào công việc.
Sau nhiều năm về công tác tại địa phương nhận thấy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả kinh tế, người dân bắt đầu bỏ ruộng, chị Diễm bàn với chồng nhận khoán thêm hơn 3 ha đất của doanh trại bộ đội nơi chồng chị công tác để xây chuồng và trồng cỏ vỗ béo bò. Do có kiến thức chuyên môn nên từ khâu chọn giống, thiết kế chuồng trại cũng như phối hợp khẩu phần ăn cho đàn bò của gia đình mình được chị thực hiện rất quy củ.
Chuồng vỗ béo bò được thiết kế chia làm hai khu riêng biệt. Một khu nuôi nhốt đàn bò cái sinh sản, còn một khu vỗ béo bò thịt. Sở dĩ chị tách riêng từng khu là bởi bò cái có chửa cần được yên tĩnh để bê con phát triển một cách tốt nhất.
Khu vỗ béo bò thịt cũng được chia ra làm hai dãy, mỗi dãy chuồng phân ra các ô riêng biệt theo nguyên tắc cùng vào cùng ra. Phía cuối mỗi dãy chuồng là khu nuôi bò giai đoạn tạo khung, tiếp đó là khu nuôi vỗ béo và ngoài cùng là khu nuôi bò vỗ béo thành công chờ xuất bán. Việc phân chia theo khu như vậy giúp thuận tiện trong theo dõi cũng như chăm sóc đàn bò của gia đình, do mỗi giai đoạn khác nhau thì khẩu phần ăn và cách nuôi dưỡng cũng khác nhau.
Điều đặc biệt chúng tôi nhận thấy ở mô hình vỗ béo bò của gia đình chị Diễm là đối tượng được chị đưa vào vỗ béo đồng nhất cả về tuổi và giống. Ưu tiên lựa chọn những giống bò BBB,Charolai vì đây là những giống bò chuyên thịt cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống bò địa phương và chọn bê có cùng độ tuổi từ 6-8 tháng tuổi để đưa vào vỗ béo theo nguyên tắc cùng vào cùng ra. Sau mỗi lứa vỗ béo thì công tác vệ sinh chuồng trại sẽ thuận tiện hơn.
Với số lượng đàn bò trong chuồng có thời điểm lên đến hơn 60 con thì việc gải quyết thức ăn thô xanh cho chúng là vấn đề hết sức khó khăn nhất là vào thời điểm mùa đông. Chính vì vậy, gia đình tận dụng những chân ruộng trũng, những bờ bãi bỏ hoang của người dân xung quanh trồng cỏ để nuôi bò. Giống cỏ được chị lựa chọn đưa vào trồng đều là những giống có năng xuất cao như VA06, cỏ ngô, cỏ voi.... Ngoài việc cung cấp thức ăn thô xanh chị còn thu gom thân cây ngô của các hộ nông dân về ủ chua để dự trữ cho bò ăn trong mùa đông giá rét.
Ngoài vỗ béo bò thịt chị Diễm còn là đầu mối cung ứng con giống uy tín như ngan, gà vịt cho bà con chăn nuôi trên địa bàn huyện. Nhanh chóng tiếp cận với các chính sách, bắt kịp xu thế phát triển là yếu tố quan trọng để làm kinh tế đến nay chị đã thực sự thành công với mô hình vỗ béo bò thịt của gia đình mình. Nhờ ứng dụng những tiến bộ vào sản xuất, quá trình chăm sóc nuôi dưỡng được thực hiện đúng quy trình cộng với kiến thức phòng chống dịch bệnh mà chị được học từ nhà trường đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình chị. Mỗi năm thu nhập từ việc vỗ béo bò của gia đình đạt trên 300 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Cường- PGĐ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang, đồng chí Quách Thị Diễm là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, rất năng động vươn lên làm giàu, không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp nhiều hội viên thoát nghèo từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình.
Có thể nói chị Diễm là một cán bộ khuyến nông có tầm nhìn, bắt nhịp được xu thế phát triển, nói đi đôi với làm, biết vận dụng lý thuyết vào thực tiễn sản xuất để tạo uy tín nghề nghiệp hỗ trợ tích cực cho bà con phát triển kinh tế từ nông nghiệp, chị là tấm gương sáng cho nhiều cán bộ học tập và noi theo.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/
- Hội thảo khoa học: Mô hình chăn nuôi bò thịt lai (Blanc-Blue-Belge) thương phẩm thành hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (23-10-2024)
- Nuôi thỏ, trồng rau công nghệ cao, nông dân giỏi ở Bắc Ninh là những tỷ phú, triệu phú (16-08-2022)
- Triệu chứng và biện pháp phòng trị bệnh phân trắng lợn con (17-02-2022)