Thời điểm này, người dân xã Tân Trung, huyện Tân Yên đang dồn sức chăm sóc đàn gà Mía thả vườn. Giá gà thả vườn đang mở mức tương đối cao, người chăn nuôi phấn khởi.
Dẫn chúng tôi thăm khu vườn dưới tán cây ăn quả anh Nguyễn Văn Công thôn Gia Tiến chia sẻ, qua nhiều năm trồng cây ăn quả và cây keo nhận thấy hai loại cây này tuy mang lại thu nhập khá cho gia đình nhưng giá thu mua lại không ổn định. Qua tìm hiểu về các mô hình phát triển kinh tế trong tỉnh và các địa phương khác, anh Công nhận thấy với 2.000m2 vườn đồi của gia đình sẽ là điều kiện lý tưởng cho việc kết hợp chăn nuôi gà thả vườn. Bắt đầu nuôi những lứa gà đầu tiên, anh Công vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Nhờ chịu khó học hỏi từ các mô hình nuôi gà vườn hiệu quả, học từ sách, báo và tham gia nhiều lớp tập huấn khuyến nông. Đến nay, anh Nguyễn Văn Công nhận thấy nuôi gà thả vườn không quá khó, nuôi thả vườn rộng, dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh, đều con, thịt chắc…
Hàng năm anh Nguyễn Văn Công thường xuyên chăn thả khoảng 1.200 gà và nuôi gối nhau. Hiện, 2.000 gà Mía lai được 4 tháng tuổi vừa xuất chuồng, trọng lượng bình quân 2,4 kg/con, với giá bán tại vườn là 68.000 đồng/kg, giống gà lai chọi được giá 70.000 đồng/kg. “Ở thời điểm này, mỗi 1.000 gà chi phí hết khoảng hơn 100 triệu đồng, khi trừ đi hết mọi chi phí lãi khoảng 40-50 triệu đồng/1.000 gà. Tổng thu nhập mỗi năm từ chăn nuôi gà thả vườn của gia đình tôi đạt trên 500 triệu đồng”, anh Công chia sẻ.
Khi được hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Công cho biết, gia đình nuôi gà được hơn chục năm, thường xuyên nuôi giống gà Mía lai và chọi lai. Đây là hai giống gà có mẫu mã đẹp, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi gà, đó chính là phương pháp nuôi. Khác với cách nuôi của nhiều trang trại khác, anh Công chọn nuôi gà thả vườn dưới tán cây. Với cách nuôi này, đàn gà sẽ được tự do vận động, tán cây chắn nắng cho gà, cộng với chuồng trại phải luôn sạch, đảm bảo vệ sinh thì đàn gà sinh trưởng phát triển tốt.
Việc phòng chống dịch bệnh được anh Công thực hiện thường xuyên, chính vì vậy đàn gà của gia đình anh luôn khỏe mạnh, hầu như không xuất hiện dịch bệnh.
Theo kinh nghiệm chăn nuôi của anh Công, với thời tiết nắng nóng đều thì nuôi gà dễ chăm hơn, gà ít bị bệnh. Vào tháng riêng, hai thời tiết nồm, độ ẩm cao hoặc thời tiết thay đổi gà hay bị bệnh nên người chăn nuôi cần theo dõi sinh trưởng của đàn gà và tăng sức đề kháng cho gà để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Cũng theo anh Công, việc chọn gà giống cũng rất quan trọng, vì giống tốt, khỏe mạnh sẽ nhanh lớn, đề kháng tốt. Giống gà Mía được lựa chọn để chăn nuôi, gà này rất thích hợp nuôi tại địa phương, giống gà khỏe, ít bệnh cho chất lượng thịt ngon, đựa thị trường ưa chuộng, anh Công cho biết.
Đổi mới cách nghĩ, cách làm, chịu khó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi là bí quyết thành công trong phát triển kinh tế gia đình của anh Nguyễn Văn Công cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn xã Tân Trung, huyện Tân Yên.
Cũng xã Tân Trung, hộ gia đình ông Giáp Văn Tuyển ở Thôn Chấu đang nuôi 1.000 gà cho biết, tôi thường xuyên tìm hiểu thông tin qua sách báo, các trang mạng xã hội và tích cực tham gia các lớp tập huấn do khuyến nông nông tổ chức để học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học, áp dụng vào chăn nuôi của gia đình. Bên cạnh đó, gia đình luôn nhận được sự quan tâm của cán bộ Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện tư vấn và hướng dẫn phương pháp chăm sóc phòng trị bệnh cho đàn gà nên đàn gà của gia đình sinh trưởng tốt, khỏe mạnh.
Chị Vũ Thị Thủy, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên cho biết, Tân Yên là huyện có diện tích vườn đồi lớn, phù hợp cho chăn nuôi gà thả vườn. Trong đó, các xã có quy mô chăn nuôi lớn như Tân Trung, Phúc Hòa, Liên Sơn, Hợp Đức…. Qua theo dõi, chúng tôi thấy, hiện trên địa bàn xã Tân Trung các hộ chăn nuôi gà quy mô lớn tập trung tại thôn Gia Tiến, Chấu và một vài thôn lân cận quy mô chăn nuôi vừa và nhỏ. Các hộ chăn nuôi áp dụng chặt chẽ kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học nên sản phẩm khi xuất chuồng đảm bảo vệ sinh, an toàn, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Tiêu biểu như mô hình nhà anh Nguyễn Văn Công và ông Giáp Văn Tuyển chăn nuôi gà Mía thả vườn an toàn sinh học được chọn là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn, được nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm chăn nuôi.
Chị Thủy đề nghị, để phát triển chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học các cơ quan chuyên môn cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chăn nuôi; hỗ trợ tích cực cho các chuỗi chăn nuôi- giết mổ- tiêu thụ trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/