Trong 02 năm 2021 và 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau sSúp lơ vàng chịu nhiệt với quy mô 500 m2/điểm trình diễn tại thị xã Hoài Nhơn, An Nhơn và các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Tuy Phước.
Qua 02 năm triển khai cho thấy, cây súp lơ vàng có thời gian sinh trưởng từ lúc trồng đến thu hoạch trong khoảng 02 tháng. Cây sinh trưởng phát triển tốt, lá to, bản lá rộng, lá dày, số lá/cây trung bình từ 18 – 22 lá; chiều cao cây trung bình từ 23 – 27 cm; tán lá rộng từ 50 – 55 cm. Bông to, đều, đường kính bông trung bình từ 9 – 11 cm; chiều cao bông khi thu hoạch từ 10 – 13 cm. Năng suất thu đạt 478 kg/sào (500 m2), lợi nhuận trung bình đạt 5,534 triệu đồng/sào (cao nhất tại xã Bình Tường - huyện Tây Sơn với năng suất 624 kg/sào, lợi nhuận 6,842 triệu đồng/sào). Thời gian thu hoạch kéo dài 7 ngày, do đó giúp nông dân giảm được áp lực về thị trường và giãn vụ.
Súp lơ vàng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tại Bình Định |
Ông Võ Đình Chánh (xã Bình Tường), hộ tham gia mô hình, cho biết: Đây là vụ đầu tiên ông trồng cây súp lơ vàng này nên ban đầu rất lo lắng, không biết trồng và chăm sóc như thế nào, nhưng được sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, ông thấy giống cây này rất dễ trồng, dễ canh tác, cây sinh trưởng phát triển rất tốt, cho hoa to và rất nhẹ công chăm sóc, làm cỏ. Qua tính toán năng suất súp lơ vàng đạt 624 kg/sào, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận, lợi nhuận đạt hơn 6,8 triệu đồng/sào.
Từ kết quả triển khai thấy rõ, giống súp lơ vàng chịu nhiệt có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất đạt khá, phù hợp với điều kiện sinh thái tại Bình Định. Có thể bố trí luân canh với các giống rau khác, làm đa dạng sản phẩm rau cung ứng cho nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Theo kỹ sư Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, việc lựa chọn cây trồng phù hợp với đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác của bà con nông dân là hết sức quan trọng. Đây là giống rau mới được đưa vào canh tác tại Bình Định nên trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật vừa hướng dẫn kỹ thuật, vừa giới thiệu đặc trưng, xuất xứ của giống rau để nông dân mạnh dạn trong việc canh tác. Nhờ thành công của mô hình nên nông dân giải được bài toán, vừa duy trì nghề trồng rau vừa đảm bảo thu nhập, góp phần gia tăng hiệu quả trên cùng một diện tích đất canh tác./.
Theo https://khuyennongvn.gov.vn/