Ảnh: Ao cá tại trung tâm Ứng dụng KHCN Bắc Giang

Nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bắc Giang đang phát triển mạnh và chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân.

Tính đến hết năm 2020, diện tích mặt nước của tỉnh đưa vào nuôi trồng thủy sản cơ bản hoàn thành xuống giống với 12.500 ha, tăng 50 ha so với năm 2019. Trong đó, diện tích nuôi chuyên canh đạt 5.825 ha, tắng 25 ha so với kế hoạch và tăng 1,8% so với 2019; diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh đạt 4.390 ha; diện tích sản xuất theo quy trình VietGap 603 ha... với cơ cấu chính 70% cá rô phi đơn tính, còn lại 30% gồm các loài chép lai, trắm, trôi, chim, mè...Năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản luôn đảm bảo duy trì khoảng 12.200 ha và phát triển theo định hướng mở rộng chăn nuôi thâm canh tích cực áp dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và hiệu quả trong chăn nuôi thủy sản tăng. (Nguồn: https://snnptnt.bacgiang.gov.vn).

Năm 2022, việc sản xuất cá giống cũng tăng mạnh. Cụ thể, số lượng cá hương, cá giống sản xuất đạt 354 triệu con, đạt 117,1% so với kế hoạch năm, bằng 107,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Chi cục Thủy sản Bắc Giang ước tính sản lượng thu hoạch các thương phẩm năm 2022 là 51,75 nghìn tấn, đạt 101% so với kế hoạch và 103% so với cùng kỳ năm 2021. Giá cá thương phẩm tại ao thời điểm này trung bình đạt 42 nghìn đồng/kg, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Năng suất nuôi thâm canh bình quân đạt 10 tấn/ha/năm; bán thâm canh bình quân đạt tư 5-7 tấn/ha/năm. (Nguồn: http://baobacgiang.com.vn).

Với tiềm năng mặt nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn, Bắc Giang là một trong những tỉnh có thể phát triển tốt thủy sản.

Xác định rõ sự cần thiết áp dụng phương pháp an toàn sinh học trong nuôi thủy sản, tỉnh Bắc Giang đã đề ra định hướng phát triển nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025”.

Để thực hiện được định hướng của tỉnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, đã có những mô hình nuôi cá theo hướng an toàn sinh học với nhiều điểm mới: các hóa chất sử dụng chủ yếu là vôi bột, muối hạt, tỏi xay nhuyễn và đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định các thông số môi trường trong ao và bổ sung các vi sinh vật có lợi; sử dụng máy quạt nước hoặc máy phun mưa để ổn định môi trường nước; ôxy luôn được duy trì với nồng độ cao cá không bị ngạt, giảm thiểu thời gian nổi đầu và tăng quá trình trao đổi chất. Chính vì thế, cá khỏe và hấp thu thức ăn tốt hơn. Đây là điều kiện tốt giúp cá luôn khỏe, sinh trưởng và phát triển, hấp thụ thức ăn tốt; giảm chi phí đầu tư thức ăn và tăng lợi nhuận cho người nuôi.

 Việc nuôi cá thâm canh theo hướng an toàn sinh học trong môi trường điều kiện ao nuôi xi măng diện tích nhỏ và khó thay nước như Trung tâm UD KH&CN là việc cần thiết; đồng thời tiếp cận với xu hướng phát triển nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học đáp ứng yêu cầu sản xuất; do vậy Trung tâm Ứng dụng KH&CN đề xuất triển khai thực hiện thành công dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nuôi cá thâm canh theo hướng an toàn sinh học tại Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Bắc Giang”.

Việc triển khai thành công của mô hình là điểm tham quan trình diễn và học tập. Là cơ sở đánh giá hiệu quả, tuyên truyền nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện Tân Yên nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung.

BBT