Hình ảnh: ao nuôi cá

Cá nuôi thường mắc nhiều bệnh. Mỗi khi có cá bị bệnh không thể chữa từng con mà phải xử lý cả ao hay cả đàn cá, nên khó tính chính xác lượng thuốc chữa bệnh, gây tốn kém cho người nuôi. Do đó phải thực hiện việc phòng ngừa là chính.

Các biện pháp như sau:

-  Cải tạo và cải thiện môi trường nuôi:  áp dụng kỹ thuật, công nghệ nuôi; sử dụng các dòng chế phẩm sinh học thế hệ mới, dùng các hóa chất than thiện với môi trường.

-  Kiểm tra cá trước khi thả: Cá thả không có dấu hiệu bệnh lý; chọn cá đúng cơ cấu chủng loại, kích cỡ và tỷ lệ ghép.

* Quản lý kỹ thuật nuôi

Nước trong ao phải đảm bảo các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa.

 Mật độ cá tùy thuộc vào hình thức nuôi và khả năng đầu tư.

Cho cá ăn đủ lượng và đảm bảo đủ chất; định kỳ bổ sung men têu hóa, Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá.

Một số bệnh thường gặp và cách trị bệnh

* Bệnh đốm đỏ

- Dấu hiệu bệnh lý: Cá giảm, hoặc bỏ ăn; bơi lờ đờ trên mặt nước, da chuyển màu tối sẫm, thân có các chấm xuất huyết đỏ, rụng vẩy. Nếu bệnh nặng, xuất huyết ở các gốc vây, các tia vây nát, cụt dần. Các điểm xuất huyết viêm tấy, loét, bên trong có nhiều mủ và máu, xung quanh có nấm ký sinh; mang tái nhợt hoặc xuất huyết khi cá chết. Giải phẫu cá thấy toàn bộ hệ cơ, gan, thận, ruột trong cơ thể xuất huyết. Cá bị bệnh sau 3- 5 ngày có thể chết; tỷ lệ chết 60- 80%, hoặc 100%.

- Tác nhân gây bệnh: Tác nhân chính là vi khuẩn Aeromonas hydrophila hình que, hai đầu tròn, không hình thành nha bào.

- Phân bố và lây lan bệnh: Bệnh thường gặp rất nhiều ở cá trắm cỏ (cả cá giống và cá thịt), xuất hiện chủ yếu vào mùa xuân thu, khi nhiệt độ nước từ 22- 280C.

- Phòng trị bệnh: Cải thiện môi trường ao bằng vôi, liều lượng 2kg/m2 và bổ sung vitamin C cho cá. Dùng thuốc trị bệnh vi khuẩn trộn thức ăn cho cá ăn.

* Bệnh nấm thủy mi

- Dấu hiệu bệnh lý: Trên da xuất hiện các vùng trắng xám; sau vài ngày nấm phát triển thành từng búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

- Tác nhân gây bệnh: Là một số loài của 2 giống Saprolegnia và Achlya. 

- Phân bố và lây lan bệnh: Cá thường bị vào mùa xuân thu, thường hay gặp ở cá Rô phi.

- Phòng trị bệnh: Làm sạch môi trường bằng phương pháp tổng hợp (nêu trong mục: Cải tạo và cải thiện môi trường nuôi). Dùng hóa chất trị nấm phun xuống ao hoặc tắm cho cá để trị diệt mầm bệnh.

* Bệnh trùng mỏ neo

- Dấu hiệu bệnh lý: Cá kém ăn, gầy yếu, đầu to, thân nhỏ, bơi lờ đờ, phản ứng kém, thân viêm loét.

- Tác nhân gây bệnh: Do Trùng mỏ neo Lernaea spp.

- Phân bố và lây lan bệnh: Các loài cá nuôi nước ngọt đều có thể mắc bệnh, chủ yếu là cá mè.

- Phòng trị bệnh: Áp dụng các phương pháp phòng bệnh chung. Khi cá bị bệnh dùng Formalin nồng độ 20- 25 ppm (20- 25ml/m3 nước) phun xuống ao.

* Bệnh trùng bánh xe

- Dấu hiệu bệnh lý: Cá ngứa ngáy, bơi lội không định hướng, thân có nhiều nhớt màu trắng đục, mang bạc trắng sưng to.

- Phân bố và lây lan bệnh: Các loài cá nuôi nước ngọt đều có thể mắc bệnh.
- Tác nhân gây bệnh: Do trùng bánh xe Trichodina, Trichodinella, Tripartiella, phát triển ở nhiệt độ nước từ 22- 280C.

- Phòng trị bệnh: Dùng Sun- phát đồng nồng độ 0,5 – 0,7 ppm (0,5- 0,7g/m3 nước), dùng thuốc diệt ký sinh trùng té hoặc phun xuống ao.

* Bệnh trùng quả dưa

- Dấu hiệu bệnh lý: Trên da, vây, mang có nhiều trùng bám thành hạt rất nhỏ màu hơi trắng đục, có thể thấy rõ bằng mắt thường. Cá bị bệnh thường gầy yếu, hoạt động chậm chạp, tách đàn bơi lờ đờ quanh bờ ao.

- Tác nhân gây bệnh: Là do trùng Ichthyophthyrius multifilis có dạng giống quả dưa, thân có nhiều lông tơ nhỏ xếp thành đường viền vân sọc.

- Phân bố và lây lan bệnh: Bệnh phân bổ rất rộng, thường phát mạnh vào mùa xuân thu, nhiệt độ thích hợp từ 25- 260C.

- Phòng trị bệnh: dùng thuốc diệt ký sinh trùng té hoặc phun xuống ao.

* Bệnh sán lá đơn chủ

- Dấu hiệu bệnh lý: Sán ký sinh ở da, mang, hút máu và niêm dịch của cá khiến cá bị ngạt thở, nổi đầu tập trung ở khu vực nước trong và thoáng; mang cá nhợt nhạt, trắng từng vùng, có nhiều nhớt.

- Tác nhân gây bệnh: Do các loài sán lá 16 móc chủ yếu ký sinh ở mang cá. Ngoài ra còn có loài sán lá 18 móc ở mang và da cá.

- Phân bố và lây lan bệnh: Sán phân bố rất rộng, Ở Việt Nam đã phát hiện hơn 90 loài sán lá đơn chủ ký sinh ở cá nước ngọt, cả cá thịt và cá giống.

- Phòng trị bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung. Dùng KMnO4 nồng độ 20 ppm (20g/m3 nước) tắm cho cá trong 15- 30 phút hoặc Formalin nồng độ 200- 250 ppm (200- 250 ml/m3 nước) tắm cho cá trong 30- 60 phút, dùng thuốc diệt ký sinh trùng té hoặc phun xuống ao.

BBT