Bệnh Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 đang bùng phát ở biên giới Campuchia và đã gây tử vong ở người. Trước tình trạng nguy cấp, có thể lây lan vào Việt Nam, thực hiện sự chỉ đạo, khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, BCĐ phòng chống dịch động vật tỉnh có văn bản chỉ đạo ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm vào địa bàn, tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin phòng bệnh Cúm cho đàn gia cầm và các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi.


 

Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại địa bàn huyện Tiên Du.

          Toàn tỉnh hiện chăn nuôi khoảng gần 6 triệu con gia cầm, hơn 300.000 các loại động vật khác. Từ đầu năm đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung, đàn gia cầm nói riêng được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, thời tiết giao mùa cùng với việc sau tết, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội, lượng người và phương tiện di chuyển cao, nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm tăng mạnh; thực trạng chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn diễn ra phổ biến, khó kiểm soát; một bộ phận người chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chưa chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch … là điều kiện thuận lợi để các bệnh đường hô hấp và dịch cúm gia cầm lây lan, bùng phát.

          Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết: Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Chi cục tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; đề nghị các huyện, thành phố và các cơ quan chuyên môn tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Bám sát sự chỉ đạo của BCĐ phòng chống dịch động vật tỉnh về ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm vào địa bàn, kiên quyết bảo đảm an toàn đàn vật nuôi trong mọi hoàn cảnh.

          Chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp tiên quyết phòng, chống dịch bệnh lây lan. Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, song song với công tác tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản chuẩn bị đầy đủ vắc xin cúm gia cầm, vật tư, hóa chất để cung ứng kịp thời cho các địa phương triển khai công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi và công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Cử cán bộ chuyên môn tăng cường bám sát cơ sở; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm, có hiệu quả Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường từ ngày 1-3 đến 31-3-2023.

          Hiện nay, các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương triển khai sớm ngay trong 2 tuần đầu của tháng 3 nhằm ngăn chặn từ sớm nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Trong năm 2022, toàn tỉnh tiêm vắc xin Cúm gia cầm được 8.981.252 liều, đạt 93,5% so với diện tiêm. Từ ngày 1-1 đến nay, tiêm phòng bổ sung vắc xin Cúm gia gia cầm được 793.000 liều.

          Tỉnh chỉ đạo các địa phương thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chuỗi chăn nuôi khép kín. Báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cơ sở đến cấp xã, huyện, tỉnh theo đúng quy định. Tổ chức rà soát, tiêm phòng triệt để vắc xin phòng các bệnh, nhất là đối với các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi (như: CGC, LMLM, Tai xanh, VDNC, Dại…); lưu ý tiêm vắc xin Cúm gia cầm đầy đủ cho đàn vật nuôi và giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi tại các khu vực có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao; tăng cường quản lý hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

          Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản thực hiện nghiêm công tác báo cáo tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh thông qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định; lấy mẫu giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong việc chia sẻ thông tin và xử lý bệnh truyền lây giữa người và động vật để có phương án phòng bệnh tốt nhất, nhất là dịch Cúm CGC có nguy cơ bùng phát hiện nay, bảo đảm tuyệt đối an toàn đàn vật nuôi nói chung và đàn gia cầm nói riêng, không gây thiệt hại về người và tài sản cho người chăn nuôi trong tỉnh.

Nguồn: Báo Bắc Ninh