Với mong muốn phát triển kinh tế nông nghiệp từ những lợi thế sẵn có tại địa phương, anh Đặng Quốc Quyền ở khu Tam Sơn 1, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn là một trong những “nông dân thời đại mới” chủ động thay đổi bản thân để thành công phát triển kinh tế nông nghiệp. Bắt kịp xu hướng của mạng xã hội, anh Quyền đã giành thời gian tìm hiểu qua Internet, tiếp cận các mô hình sản xuất hiệu quả và tham gia các khoá tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi được các cơ quan chuyên môn nông nghiệp trong huyện tổ chức. Từ năm 2019, tư duy tích tụ ruộng đất để xây dựng trang trại đã được anh hiện thực hóa ngay tại địa bàn xã nhà. Anh đã vận động các hộ dân xung quanh có đất ruộng manh mún, không liền kề hoán đổi và tự mình bỏ vốn để thuê, mượn lại ruộng đất của những hộ có đất ruộng, đất nương nhưng không có ham muốn đầu tư làm nông trên địa bàn, anh đã quy tụ được diện tích 1,2 ha đất ruộng và gần 3 ha đất đồi rừng. Với diện tích này anh tập trung thành một khu dễ quản lý, bố trí trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp và cây màu để dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô sinh khối, cỏ, sắn…) và thuận tiện khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Anh Quyền cũng đầu tư nuôi bò sinh sản kết hợp với vỗ béo bò thịt, tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi trâu, bò chế biến thành phân hữu cơ vi sinh để trồng trọt theo phương thức khép kín tuần hoàn sản xuất, giảm thiểu đầu tư phân bón cho cây trồng tăng hiệu quả kinh tế.
Anh Đặng Quốc Quyền chăm sóc đàn bò trong trang trại của gia đình |
Anh Quyền chọn giống bò lai Sind để dùng làm nái sinh sản. Chỉ với 3 con bò cái sinh sản ban đầu (từ năm 2019) đến nay trong chuồng của gia đình anh luôn duy trì 20 con bò nái đang tuổi sinh sản. Bình quân mỗi năm, bò mẹ sẽ sinh một lứa. Bê con có độ tuổi 2-3 tháng dứt sữa mẹ được bán với giá 10- 15 triệu đồng/con, bê từ 10-12 tháng tuổi có giá 20-25 triệu đồng/con. Mỗi năm, số bò được bán ra ngoài 7-10 con, sau khi trừ chi phí, anh Quyền cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng. Nguồn thức ăn dự trữ là ngô sinh khối, cỏ voi… được ủ chua luôn duy trì từ 10-15 tấn để cung cấp thường xuyên cho vật nuôi.
Ngoài nuôi bò sinh sản hướng thịt, anh cũng nuôi thêm 3 con trâu vỗ béo. Tuy thời điểm như đầu năm 2023, giá trâu, bò thịt trên thị trường có xu hướng giảm hơn so với các năm trước nhưng với định hướng và cách làm như hiện nay của anh Quyền thì quy mô nuôi và cơ ngơi của anh tạo dựng phát triển theo hướng trang trại vẫn được xác định là hướng đi bền vững và là xu hướng tất yếu của sản xuất hàng hóa trong giai đoạn phát triển của nông nghiệp hàng hóa. Mô hình hoán đổi tích tụ ruộng đất để phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp của anh Quyền đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều hộ dân trong huyện đến tham quan, học tập.
Thành công từ việc dồn đổi ruộng đất, chủ động nguồn thức ăn, khép kín tuần hoàn sản xuất để phát triển chăn nuôi gia súc không những đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân mà còn góp phần từng bước thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân trên địa bàn xã Sơn Hùng, là nhân tố tích cực khích lệ nhiều người dân phát triển kinh tế nông nghiệp tại quê hương, góp phần thành công xây dựng nông thôn mới của xã Sơn Hùng.
Theo https://khuyennongvn.gov.vn/
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)