Hình ảnh: rọn cỏ cho vườn nho

1. Làm cỏ, xới xáo:

- Thời kỳ cây con cần dọn sạch cỏ, phát quang bờ bụi chung quanh vườn nho để loại trừ chổ ẩn nấp của sâu bệnh.

- Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ cỏ nhằm hạn chế khả năng ô nhiễm đất. Nếu dùng chỉ được phép dùng các loại thuốc nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp & PTNT, và phải ghi chép, lưu giữ trong hồ sơ của cơ sở sản xuất về ngày phun, loại thuốc và liều lượng đã sử dụng.

2. Tưới và tiêu nước:

- Sau khi trồng cần tưới nước ngay. Trời nắng 4-5 ngày tưới 1 lần

- Thời kỳ kinh doanh: 5-7 ngày tưới 1 lần. Nếu có điều kiện, nên tưới nước kết hợp với tủ gốc để tăng cường sự giữ ẩm cho cây.

- Trời mưa tìm cách thoát nước càng nhanh càng tốt.

3. Bón phân:

- Đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa học, sinh học và vật lý do sử dụng phân bón và chất phụ gia, ghi chép và lưu trong hồ sơ. Nếu xác định có nguy cơ ô nhiễm trong việc sử dụng phân bón hay chất phụ gia, cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm lên quả nho.

- Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

- Các dụng cụ để bón phân sau khi sử dụng phải được vệ sinh và phải được bảo dưỡng thường xuyên.

- Nơi chứa phân bón hay khu vực để trang thiết bị phục vụ phối trộn phân bón, chất phụ gia cần được xây dựng và bảo dưỡng để đảm bảo giảm nguy cơ gây ô nhiễm vùng sản xuất và nguồn nước.

- Lưu giữ hồ sơ khi sử dụng phân bón và chất phụ gia (ghi rõ thời gian bón, tên phân bón, địa điểm, liều lượng, phương pháp bón phân và tên người bón).

- Không bón phân có đạm trước khi thu họach ít nhất 20 ngày.

3.1. Thời kỳ cây con (tính cho 1 ha)

Thời kỳ cây con kéo dài khoảng 7-8 tháng, giai đoạn này khoảng 2 tháng bón phân một lần.

- Bón lót: Trước khi trồng giống nho làm gốc ghép 

Đào hố bón 8-10 kg phân chuồng hoai, lấp đất trước khi trồng 15 ngày.

- Bón thúc lần 1: Khi cây nho mới bén rễ

39 kg Urê + 17,5 kg Clorua kali và 127 kg NPK 13-13-13

- Bón thúc lần 2: 2 tháng sau khi trồng

39 kg Urê + 17,5 kg Clorua kali và 127 kg NPK 13-13-13

- Bón thúc lần 3: 4 tháng sau khi trồng

84 kg Urê + 35 kg Clorua kali và 228 kg NPK 13-13-13

- Bón thúc lần 4: 6 tháng sau khi trồng

78kg Urê + 30kg Clorua kali và 254 kg NPK 13-13-13

Cách bón:Bón quanh gốc kết hợp xới xáo chunh quanh vùng rễ, lần đầu cách gốc 20 cm, các lần kế tiếp xới xa dần, bón xong theo nước ngay.

4. Thời vụ cắt cành:

- Vụ Đông Xuân (tháng 12-2 dương lịch), cắt cành tháng 12-2 thu hoạch tháng 5-6 dương lịch.

- Vụ Hè Thu (tháng 8-9 dương lịch), cắt cành tháng 8-9, thu hoạch tháng 11-12 dương lịch.

- Nên cắt cành vào ngày nắng ấm, nhiệt độ từ 22- 25oC.

5. Kỹ thuật cắt cành:

- Tiến hành cắt khi cây nho ở trong tình trạng khỏe (rễ trắng nhiều, ngọn nho ra lá mới, cành rẽ…..)

- Vị trí cắt thường để lại 6-12 mắt của cành cắt, tùy theo chiều dài, đường kính, sự hóa gổ của cành và tùy theo mùa vụ. Tốt nhất 8-10 mắt.

- Khi mật độ cành thấp thì nên cắt cành 5 tháng tuổi.

- Khi mật độ cành vượt quá 8 cành/m2, thì phải cắt cành 10 tháng tuổi vào vụ đông để hạn chế mật độ cành trên giàn.

- Cắt xong cần phun thuốc rửa cành để tiêu diệt mầm sâu bệnh còn tồn lại của vụ trước và thu gom cành lá vừa cắt bỏ để tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp để tránh lây lan sâu bệnh.

6. Cột cành, tỉa chồi nách, tỉa trái:

- Ngay sau khi cắt cành phải buộc và phân chia lại số cành, cho rãi đều trên giàn, tiến hành loại bỏ thường xuyên những cành yếu.

- Duy trì mật độ cành vừa phải 6-8 cành/m2 .

- Cột cành 2 lần trước khi bông nở, kết hợp tỉa bỏ bớt chồi nách.

- Cần tỉa trái khi trái bằng hạt bắp (đường kính khoảng 7 mm) và lập lại sau đó 25-35 ngày.

BBT