Viện Nghiên cứu Ngô đã phối hợp với công ty cổ phần phân bón Bình Điền xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm lượng phân bón, giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích… đáp ứng thị trường thức ăn chăn nuôi hiện nay.
Mô hình sản xuất ngô sinh khối được triển khai tại xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk với diện tích 2,0 ha; triển khai trong 2 vụ Hè Thu và Đông Xuân năm 2023, sử dụng giống ngô LVN66 của Viện Nghiên cứu Ngô và 100% phân bón của Công ty CP Phân bón Bình Điền. Đơn vị thu mua sản phẩm là công ty Dalat Milk.
Trước khi tham gia mô hình, các hộ được tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật về xử lý đất trồng, giống ngô, thời vụ, mật độ cây trồng, tưới tiêu, phòng trừ cỏ dại, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật bón phân, xử lý thu hoạch và sau thu hoạch. Ban điều hành theo dõi chặt chẽ tất cả các khâu, từ khi xuống giống đến thu hoạch, báo cáo tổng quan về hiện trạng kỹ thuật canh tác làm cơ sở xây dựng quy trình canh tác ngô sinh khối tại Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Duy Duyên - Trưởng trạm nghiên cứu Ngô phía Nam cho biết: Giống ngô sử dụng để xây dựng quy trình là giống LVN 66 của Viện Nghiên cứu Ngô lai tạo, năng suất sinh khối đạt 60-80 tấn/ha. Trồng ngô sinh khối rút ngắn thời gian thu hoạch, mỗi vụ chỉ khoảng 80 ngày, bà con không còn lo lắng về thời tiết, sâu bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng như ngô lấy hạt, lại tăng hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho bà con.
Cán bộ Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Viện Nghiên cứu Ngô và Trung tâm KNGCTVN &TS Đăk Lăk kiểm tra mô hình |
Ông Nguyễn Thông là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình phấn khởi chia sẻ: Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến sau 3 tháng đã cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 60 tấn/ha. Giá ngô cây (cả bông vừa ngậm sữa) bán tại ruộng là 1.000 đồng/kg nên bà con có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha, lãi cao hơn trồng ngô lấy hạt, vừa không cần bảo quản sau thu hoạch. Với ưu điểm về thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi năm gia đình ông có thể sản xuất được 2 - 3 vụ ngô/năm. Hơn nữa, quy trình bón phân chỉ cần bón phân 02 lần là 01 lần bón lót và 01 lần bón thúc khi cây 5-7 lá nên đã rút ngắn số lần bón phân, giảm công lao động so quy trình canh tác ngô phổ biến hiện nay mà cây vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, lá rất xanh.
Theo T.S Phạm Anh Cường - trưởng phòng nghiên cứu và phát triển thuộc công ty cổ phần phân bón Bình Điền thì mục tiêu của việc đưa ra quy trình bón phân cho cây ngô sinh khối đối với vùng đất Tây Nguyên là làm sao sử dụng lượng phân ít, giảm số lần bón, cây hấp thụ dinh dưỡng được nhiều nhất, tăng hiệu quả sử dụng vào những tháng nắng nóng. Hiện nay, nông dân bón thường bón phân cho ngô 4 lần rất tốn kém, đặc biệt khi cây ngô lớn bón rất khó khăn. Chính vì vậy, việc thử nghiệm bón phân chuyên dùng trung vi lượng - gọi là phân cân bằng đất với 2 lần bón dứt điểm: 01 lần bón lót và 01 lần bón thúc và hướng tới bón phân bằng máy để giảm công lao động, giảm giá thành của ngô, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Ông Đỗ Danh Phương - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến Nông-Giống cây trồng vật nuôi và Thủy sản Đăk Lăk cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, bò thịt đang sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh chính. Điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của tỉnh Đăk Lăk rất phù hợp để phát triển cây ngô sinh khối. Thời gian tới, ngành khuyến nông tỉnh tiếp tục tuyên truyền mở rộng diện tích ngô sinh khối ở các địa phương để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, thực hiện liên kết với các công ty, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nhân dân.
Từ việc chuyển đổi cây trồng sang trồng ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn, làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi bò sữa đã mở ra hướng sản xuất mới cho bà con nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa khô.
Theo https://khuyennongvn.gov.vn/
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)