Chị Mai Thị Ánh sinh năm 1989, ở thôn Khả Lã, xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn được biết đến là một tấm gương phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương xã Tân Lập luôn khuyến khích người dân phát triển đa dạng các loại hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy hình thành các loại hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển. Phát huy vai trò gương mẫu, đầu năm 2023, chị Mai Thị Ánh và những người cùng sở thích thành lập HTX Chăn nuôi và trồng trọt Tân Lập, với 11 thành viên, do chị Mai Thị Ánh giữ vai trò giám đốc.
Chị Ánh cho biết, về chăn nuôi, với quy mô trên 200 con dê, 6 hộ nuôi, HTX đang cung cấp cho thị trường sản phẩm dê thịt; trồng trọt có nhãn, táo xuân, táo Đài loan và một số sản phẩm cây trồng khác.
Nhận thấy nhu cầu tương đối lớn với sản phẩm dê thịt, nhu cầu thịt động vật ăn cỏ ngày càng tăng cao. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên nhiều hộ gia đình ở xã chuyển từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi dê theo hình thức chăn nuôi tập trung.
Là một trong những thành viên Hợp tác xã, anh Hoàng Văn Phước, cho biết, khoảng hai năm trước, khi đang loay hoay tìm hướng chăn nuôi mới trong khi chăn nuôi các đối tượng nuôi khác liên tục gặp những khó khăn, tình cờ anh được biết mô hình chăn nuôi dê. Từ đó, anh Phước quyết định chuyển hẳn sang chăn nuôi dê thương phẩm. Hiệu quả kinh tế từ con dê mang lại khiến anh Phước tự tin mở rộng chuồng trại và tăng quy mô đàn.
So với nuôi lợn, trâu, bò thì con dê tốn ít công chăm sóc, bởi dê là con vật ăn tạp nên có thể tận dụng được nguồn thức ăn phong phú quanh nhà và hiếm khi mắc bệnh. Đàn dê của anh Phước cứ sinh sôi, nảy nở, đến nay có 40 con dê mẹ và 20 dê con chờ ngày xuất chuồng.
Sau 5 - 6 tháng nuôi, khi dê thương phẩm đạt trọng lượng từ 25- 30 kg trở lên thì xuất bán, với giá bán hiện tại 140.000 đồng/kg, tính ra, mỗi con dê đem lại doanh thu khoảng 3,5- 4 triệu đồng tùy thời điểm giá.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phước cho biết, chăn nuôi dê không quá vất vả, hiệu quả và giá ổn định. Để nuôi dê đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê rất quan trọng, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Do đặc tính dê thích sống ở những nơi cao ráo, thoáng mát do đó mà chuồng trại nên xây dựng ở hướng Đông và Đông Nam để đảm bảo chuồng trại ấm áp vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Lưu ý, chuồng nuôi không nên xây dựng quá gần nhà vì sẽ làm ô nhiễm môi trường sống của gia đình hoặc không quá xa nhà vì sẽ khó chăm sóc và quản lý đàn dê. Sàn chuồng chính là nơi sinh hoạt chính của dê nên bà con cần phải sử dụng các vật liệu cứng bền như gỗ và làm sàn cao hơn mặt đất khoảng 40 – 60cm. Các thanh lót chuồng phải được làm đều nhẵn và thẳng, có khe hở chỉ rộng khoảng 1,2 – 1,5cm bảo đảm cho phân và nước thải dê lọt xuống, không nên làm khe hở quá rộng vì sẽ làm cho dê bị kẹt chân…
Sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê. Đồng thời, muốn đàn dê phát triển khỏe mạnh cần kiểm soát nguồn thức ăn thô xanh đảm bảo sạch sẽ, chăn thả có sự quản lý.
Cũng theo anh Phước, những năm trước, do hoàn toàn phụ thuộc thương lái cho nên đầu ra không ổn định, giá bán dê thương phẩm thường ở mức thấp. Nhưng gần đây, các hộ nuôi dê đã liên kết lại thành lập HTX nên việc tiêu thụ được thuận lợi hơn. Nhờ đầu ra ổn định, giá cả tương đối tốt nên chăn nuôi dê ở xã Tân Lập đang dần phát triển, nhiều gia đình đã mở rộng quy mô chăn nuôi và giàu lên từ con vật này.
Hợp tác xã Chăn nuôi và trồng trọt Tân Lập mới thành lập được 6 tháng, với 11thành viên. Tham gia vào Hợp tác xã các hộ chăn nuôi dê được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cũng như cách phòng, trị bệnh cho đàn dê... Đặc biệt, các hộ chăn nuôi luôn ổn định về tiêu thụ sản phẩm, không lo bị thương lái ép giá bởi giá bán luôn được các thành viên trong HTX thống nhất. Do vậy, mọi người rất yên tâm trong việc mở rộng quy mô chăn nuôi.
Để tạo niềm tin cho khách hàng, chị Mai Thị Ánh – Giám đốc HTX cùng các thành viên không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm mình cung ứng mà luôn đồng hành với người dân trong sản xuất và chăn nuôi. Với hình thức chăn nuôi không sử dụng thức ăn công nghiệp, chỉ sử dụng cỏ, các loại lá cây sẵn có quanh vườn, đồi nên sản phẩm thịt dê của HTX bán ra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. HTX cũng thường xuyên tạo điều kiện để các thành viên được nâng cao, bồi dưỡng kiến thức, học hỏi bạn hàng… “Tiếng lành đồn xa”, sản phẩm của HTX ngày càng thu hút được khách hàng.
Bên cạnh sản phẩm dê thịt và nhãn, táo, tới đây các thành viên trong HTX cùng nhau tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để trồng cây măng Lục trúc thay thế những diện tích cây ăn quả kém hiệu quả, chị Ánh cho biết.
Không chỉ là một “thủ lĩnh” trên mặt trận kinh tế hợp tác, chị Mai Thị Ánh còn tiên phong trong thực hiện chủ trương, chính sách tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Khi đứng đầu, nữ Giám đốc luôn phát huy được truyền thống của phụ nữ Việt Nam cần cù, chịu khó, linh hoạt trong hợp tác, giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh và đời sống hàng ngày. Với sự quyết tâm, sáng tạo, chị Mai Thị Ánh đang tỏ rõ bản lĩnh, sự tự tin để vươn lên làm giàu chính đáng, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội… bà Lại Thị Toàn, chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/