Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 977.395 ha, khí hậu ôn hoà quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 18 – 20 độ C, lượng mưa trung bình hàng năm 2.000 mm, tài nguyên thực vật rất phong phú. Bên cạnh các cây công ngiệp chủ lực như cà phê, chè, điều, dâu tằm… thì ngành sản xuất rau, hoa của Đà Lạt - Lâm Đồng được xem là thế mạnh và nổi tiếng cả nước, đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2022, diện tích trồng hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tăng nhanh từ 7.761,4 ha lên 9.740,5 ha, sản lượng tăng từ 2.428 triệu cành lên 3.861 triệu cành. Trong đó, hoa cúc, hồng, lay ơn là ba loại hoa chiếm diện tích lớn nhất trong cơ cấu giống hoa của tỉnh (chiếm 56,4 - 70,4%). Cơ cấu các loại hoa trong năm 2022 có nhiều sự khác biệt so với năm 2015, các loại hoa có xu hướng mở rộng diện tích điển hình như hoa chậu đạt 1.224 ha (tăng 11,6%), hoa cẩm chướng đạt 749,3 ha (tăng 1,6%); diện tích các loại hoa như hoa hồng, hoa cúc, lay ơn có xu hướng giảm dần. Diện tích vùng sản xuất hoa tập trung chủ yếu tại thành phố Đà Lạt (62%), huyện Lạc Dương (20,8%), còn lại tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc. Sản xuất, tiêu thụ hoa là một chuỗi quan trọng giúp cho ngành hoa của tỉnh Lâm Đồng phát huy thế mạnh vốn có, nhằm cung cấp thường xuyên cho thị trường, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tính cạnh tranh. Thị trường tiêu thụ hoa của tỉnh Lâm Đồng chủ yếu là nội tiêu (khoảng 89,3%) tại các thị trường như TP. Hà Nội, Hồ Chí Minh,… và xuất khẩu (khoảng 10,7%) tại các thị trường như Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Các loại mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cây giống hoa và các loại hoa như: Hoa cúc, cẩm chướng, hoa hồng, hoa cát tường,… Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hoa đạt 74 triệu USD.
Hoa thu hải đường Đà Lạt |
Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây hoa với năng lực sản xuất 564.400 ngàn cây giống/năm. Giống hoa chủ yếu tự nhân giống bằng cách tự để giống (hoa cúc, hồng, lay ơn,…); hầu hết các giống hoa trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu như lily, cát tường, thu hải đường,… với lượng nhập khẩu hàng năm từ 73-76 triệu củ, cây, ngọn, cành, hạt giống. Trong thời gian vừa qua, nhân giống cây hoa công nghệ nuôi cấy mô được tỉnh Lâm Đồng chú trọng phát triển. Toàn tỉnh có 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật với 636 box cấy, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 73,32 triệu cây giống cấy mô các loại như hoa cúc, sa lem, cây trang trí,… đây là nguồn giống ban đầu giúp cho các vườn ươm tiếp tục nhân giống phục vụ cho sản xuất.
Với những điều kiện thuận lợi như trên, trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hiệp hội hoa Đà Lạt xây dựng Đề án “Nhập khẩu giống hoa có bản quyền phục vụ phát triển ngành sản xuất hoa tỉnh Lâm Đồng” giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hoa tháo gỡ các vướng mắc về nhập khẩu một số giống hoa mới không thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại PRA để kịp thời phục vụ sản xuất hoa công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển sản xuất hoa của tỉnh, phát huy lợi thế trong thời gian tới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, đến nay đã đạt được một số kết quả: Năm 2022: Có 4/5 công ty đã nhập khẩu theo giấy phép được cấp năm 2021 đã nhập 27 giống (chiếm 47,3% chủng loại giống) với 586.098 củ, hạt, cây,… giống hoa (đạt 28,42% số lượng được cấp phép). Năm 2023: Có 03 công ty nhập khẩu 433.913/1.703.500 cây, lá, củ giống hoa hạt, củ hoa giống (đạt 25,47% kế hoạch của năm 2022 - 2023). Kế hoạch năm 2023 - 2024: Có 5 công ty thuộc Hiệp hội hoa xin 31 giấy phéo nhập khẩu 1.621.600 hạt, ngọn, cây, lá, củ giống hoa và cây nuôi cấy mô các loại. Chủng loại nhập khẩu: Nhập nội 47 giống hoa từ 16 Quốc gia Costa Rica, Hà Lan, Mỹ, Tây Ban Nha, Israel, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, Pháp, Đan Mạch, Đức, Bỉ, Úc, Italia và Guantemala.
Để hỗ trợ cho các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc nhập khẩu giống hoa cũng như bản quyền sản xuất giống hoa, xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa thuận lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu ban hành danh mục giống cây nông lâm nghiệp, quy mô dự án thực hiện chính sách phát triển sản xuất, mức hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác, chính sách, đề án hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hi vọng cùng với việc nâng cao các giải pháp đồng bộ về cải thiện cơ chế chính sách, thu hút vốn đầu tư, nâng cao nguồn nhân lực,... ngành hoa Lâm Đồng sẽ phát triển theo hướng bền vững, hiện đại trong thời gian tới.
Theo https://khuyennongvn.gov.vn/
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)