Mới đây, tại thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên tổ chức Hội nghi đánh giá đề tài “ Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất và chế biến thử nghiệm trà Ổi túi lọc từ búp ổi tại HTX NN Quyên Phong”.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phong Kinh tế - Hạ tầng, Hợp tác xã Nông nghiệp Quyên Phong, UBND TT Cao Thượng, UBND xã Phúc Hòa  và 50 hộ nông dân trồng ổi trên địa bàn hai xã.

Hiện, diện tích cây ổi trên địa bàn huyện Tân Yên đạt khoảng 300 ha tập trung chủ yếu tại các xã Hợp Đức, thị trấn Cao Thượng và Phúc Hòa, Việt Lập, Liên Chung, Cao Xã…. hàng năm đem lại thu nhập trung bình cho nhà vườn từ 250-270 triệu đồng/ha/năm. Với những giá trị từ cây ổi đem lại, Trung Tâm DVKT Nông nghiệp thực hiện đề tài khoa học “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất và chế biến thử nghiệm trà Ổi túi lọc từ búp ổi tại HTX NN Quyên Phong, TT Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang”, với mục tiêu xây quy trình chăm sóc sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh trên cây ổi tại địa bàn huyện Tân Yên; tạo vùng sản xuất quả ổi, vùng nguyên liệu búp ổi an toàn; sản xuất sản phẩm trà búp ổi túi lọc tiện dụng và tốt cho sức khỏe con người.


Trà ổi túi lọc  được trưng bày tại hội nghị

Đề tài được triển khai với các nội dung cụ thể như: Xây dựng mô hình ứng dụng sản phẩm công nghệ sinh học trong sản xuất ổi và nguyên liệu búp ổi, quy mô 10 ha tại thị trấn Cao Thượng và xã Phúc Hòa.

Theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển, sâu bệnh hại, năng suất (quả ổi và búp ổi) tại mô hình. Điều tra, theo dõi mật độ, tỷ lệ gây hại, thời gian phát sinh của các đối tượng sâu bệnh hại chính trên cây ổi (Rệp sáp, muội, sâu ăn lá, bệnh đốm rong, bệnh thán thư).

Dùng chế phẩm nấm xanh và hệ vi sinh kháng nấm phun phòng trừ các đối tượng dịch hại trên.

Chế phẩm nấm xanh SAU.03, với liều lượng phun phòng: 10-15kg/ha/6 tháng;

dập dịch, 20-30kg/ha/đợt (chia nhỏ phun cách ngày cho đến khi hết dịch).

Chế phẩm kháng nấm NAM.02, với liều lượng phòng bệnh: 10-20kg/ha/6 tháng;

Trị bệnh, 20-30kg/ha/đợt (chia nhỏ phun cách ngày cho đến khi hết dịch).

Căn cứ vào cơ chế tác động trên của chế phẩm sinh học Nấm xanh (SAU.03), hệ vi sinh kháng nấm (NAM.02), Trung tâm hướng dẫn HTX Nông nghiệp Quyên Phong phun phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ổi.

Qua công tác điều tra định kỳ, đã đánh giá được mức độ gây hại, xác định được thời gian phun phòng trừ. Chế phẩm sinh học dùng để phun trên diện tích đề tài tại thời điểm sau khi xử lý 1 ngày, 3 ngày, 7 ngày, 10 ngày cho thấy: Mật độ sâu cuốn lá và tập đoàn chích hút cơ bản còn sống trên cây. Tuy nhiên, tiếp tục theo dõi thấy, đến ngày thứ 20 trên thân của sâu và tập đoàn chích hút xuất hiện các bào tử nấm ký sinh, quan sát các bộ phận trên cây không thấy bị gây hại. Sau đó, định kỳ phun 30 ngày phun 1 lần, các đối tượng sâu đã được khống chế ở dưới mức gây hại, không làm thiệt hại đến năng suất sau thu hoạch.

Thuốc BVTV dùng để phun tại diện tích đối chứng, thời điểm sau khi xử lý 1 ngày, 3 ngày, 7 ngày, 10 ngày cho thấy mật độ sâu cuốn lá và tập đoàn chích hút cơ bản giảm theo từng thời điểm điều tra. Tuy nhiên, tiếp tục theo dõi thấy rằng đến ngày thứ 20 có một lúa sâu mới, với mật độ cao và tiếp tục phải dùng thuốc BVTV phun trừ.

Qua theo dõi hiệu lực của chế phẩm sinh học dùng để phun: Sau phun 10 ngày chế phẩm chưa có tác động tiêu diệt các đối tượng sâu gây hại. Tuy nhiên, sau xửa lý 15 và 20 ngày hiệu lực của thuốc là 15%, sau xửa lý 25 và 30 ngày hiệu lực của thuốc là 35%, sau xửa lý 35 ngày hiệu lực của thuốc là 88%.

Hiệu lực của thuốc BVTV dùng để phun: sau phun 1 ngày đã có tác động tiêu diệt các đối tượng sâu gây hại. sau xửa lý 1 ngày hiệu lực của thuốc là 12 - 15%, sau xửa lý 10 ngày hiệu lực của thuốc là 87 - 90%, sau xửa lý 15 ngày hiệu lực của thuốc 0%.

Đại diện hộ dân trực tiếp thực hiện đề tài, bà Nguyễn Thị Minh- Tổ dân phố Hòa Sơn, thị trấn Cao Thượng cho biết, qua sử dụng chế phẩm nấm xanh SAU.03, kháng nấm NAM.02 các đối tượng sâu bệnh được khống chế trong một thời gian dài, an toàn cho người làm vườn cũng như người tiêu dùng. Qua hội nghị bà Minh mạnh dạn chia sẻ và mong muốn đề tài được nhân rộng để cho người trồng ổi trên địa bàn huyện Tân Yên nói chung và các vùng lân cận được tiếp cận và sử dụng đem lại lợi ích cho con người cho vật nuôi và cây trồng.

Thực tế cho thấy, đặc điểm nổi bật của chế phẩm là khi sử dụng dùng để phun trừ đối tượng sâu có hại tác động tiêu diệt nhưng chậm. Tuy nhiên, hiệu lực kéo dài vì bào tử nấm xanh và hệ vi sinh kháng nấm đã ký sinh vào ký chủ, làm cho ký chủ chết dần. Lứa sâu phát sinh vẫn bị tiêu diệt do bào tử nấm có ích đã được nhân lên theo cấp số nhân tại vườn. Còn đối với thuốc BVTV có tác dụng tiêu diệt nhưng nhanh sâu bệnh hại, tuy nhiên, hiệu lực chỉ kéo dài đến 10 ngày và sau 10 ngày lứa sâu mới lại phát sinh gây hại.

Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn, Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện Tân Yên xây dựng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học Nấm xanh (SAU.03), Hệ vi sinh kháng nấm (NAM.02) phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ổi.

Song song với đó, Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện Tân Yên xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm trà ổi túi lọc từ nguyên liệu búp ổi với số lượng 500 hộp, 20 gói/hộp, 2,5 gam/gói. Tiêu chuẩn búp ổi khi thu hoạch có 3 cặp lá, sau đó sấy khô bằng phương pháp sấy lạnh; nghiền lá thành bột, đóng gói thành phẩm trà túi lọc. Được biết, búp ổi chứa 7-10% một loại tannin pyrogalic, acid psiditanic, khoảng 3% nhựa và rất ít tinh dầu (0,36%).… Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Trung tâm Yakult - Nhật Bản, trà có chiết xuất từ lá ổi có thể làm giảm đường huyết trong máu ở bệnh nhân tiểu đường nhờ cơ chế giảm hoạt động của enzyme Alpha-glucosidease. Ngoài ra, chúng còn ngăn cản sự hấp thụ sucrose và maltose của cơ thể. Do đó làm giảm lượng đường trong máu, ngăn chặn sự tăng sản xuất insulin.

Kết luận hội nghị, bà Đỗ Thị Huyền- PGĐ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên nhấn mạnh, chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến của các đại biểu đã đóng góp tại hội nghị, hoàn thiện các nội dung đã được phê duyệt. Cùng đó, Trung tâm tiếp tục hoàn thiện quy trình chăm sóc sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh trên cây ổi tại địa bàn huyện Tân Yên. Trong thời gian tới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân rộng đề tài từ đó, tạo thành vùng sản xuất quả ổi, vùng nguyên liệu búp ổi an toàn nhằm phục vụ sản xuất thành công Trà búp ổi túi lọc tiện dụng và tốt cho sức khỏe.

Qua đây, bà Huyền đề nghị, Sở Khoa học và công nghệ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ để Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện Tân Yên phối hợp với HTX Nông nghiệp Quyên phong mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu và nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về sản phẩm Trà búp ổi Tân Yên.

Được biết, sản phẩm của đề tài được HTX Nông nghiệp Quyên Phong tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Tân Yên năm 2023 đạt 3 sao.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/