Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 44 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 23.982 con; các tỉnh tiếp giáp với Bắc Giang như: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh đang có dịch chưa qua 21 ngày. Thực hiện Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, để chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh này kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn đề nghị triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, theo đó:

UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc phòng, chống dịch bệnh động vật theo Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 28/2/2023 của UBND tỉnh về kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023. Chỉ đạo, huy động các nguồn lực trên địa bàn tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo Kế hoạch số 3589/KH-UBND ngày 14/8/2020 của UBND tỉnh Bắc Giang; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý các ổ dịch, không để lây lan diện rộng.


Triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức rà soát, tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh cho lợn, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, tai xanh; khuyến cáo người chăn nuôi tổ chức tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết làm lây lan dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng dịch. Tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tình trạng vứt động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, truyền thanh của huyện, xã để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, tránh chủ quan trong phòng chống dịch.

Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố, cơ quan truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo quy định. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Triển khai lấy mẫu giám sát, phát hiện dịch bệnh theo Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 28/2/2023 và tình hình thực tế tại tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu việc sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi để phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng, chống dịch động vật, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật; phối hợp với cơ quan chuyên ngành thú y cấp tỉnh và chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi để người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/