Thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung trên địa bàn huyện, vụ đông năm 2023, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên phối hợp với UBND xã Song Vân triển khai mô hình “sản xuất dưa chuột thương phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Đến nay mô hình cho thu hoạch và được người dân đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình có quy mô 05 ha được thựchiện tại thôn Kỳ Sơn và thôn Hoàng Vân, xã Song Vân. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% giá giống, 40% phân bón và tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc giống dưa chuột lai F1 G7. Sau khi khi tổ chức cấp phát giống, phân bón, định kỳ hàng tuần cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình của Trung tâm Dịch vụ huyện thường xuyên thăm, kiểm tra, đánh giá, kịp thời hướng dẫn các hộ dân các kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa ánh, định quả, phòng trừ sâu bệnh hại trên diện tích dưa tại mô hình.
Kết quả đánh giá của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên, giống dưa chuột lai F1 G7 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh hại tốt hơn giống dưa đối chứng Hot38, phân nhánh khỏe, thời gian cho thu hoạch quả dài hơn giống đối chứng trung bình từ 5-7 ngày, dải đều trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của giống. Giống G7 cho chất lượng quả giòn, ngon, đặc ruột, mẫu mã quả đẹp đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
Sản phẩm dưa chuột tại mô hình được Hợp tác xã Rau an toàn thôn Kỳ Sơn thu mua với giá trung bình 7.000 đồng/kg, với năng suất trung bình đạt 1,3-1,4 tấn/sào, mô hình mang lại lợi nhuận trung bình đạt 209.898.000 đồng/ha, cao hơn giống đối chứng 39.900.000 đồng/ha. Cây dưa chuột thương phẩm có thời gian sản xuất ngắn 60-65 ngày do đó đây là một trong những đối tượng cây rau màu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Quân -hộ tham gia mô hình tại thôn Kỳ Sơn phấn khởi cho biết, vụ đông năm nay gia đình tôi có 5 sào thực hiện theo mô hình. Thực tế sản xuất cây dưa chuột lai F1 G7 sinh trưởng phát triển tốt, quả giòn. Hiện cây dưa đang cho thu hoạch, được Hợp tác xã Rau an toàn thôn Kỳ Sơn thu mua hàng ngày theo giá thị trường, dao động từ 5.000- 13.500 đồng/kg. Mỗi sào dưa trừ chi phí tôi thu lãi khoảng 10-12 triệu đồng/sào.
Cùng thôn với anh Quân, ông Nguyễn Văn Anh cũng có 5 sào sản xuất theo mô hình vui mừng chia sẻ với chúng tôi: cây dưa chuột lai F1 G7 sinh trưởng phát triển khỏe, quả đặc, ăn ngọt, vị đậm hơn và đặc biệt có thể bảo quản được dài hơn các giống dưa chuột khác nên được thị trường ưa chuộng. Năng suất ước đạt 1,2 tấn/sào, gia đình tôi thu lãi khoảng 10 triệu/sào vụ này.
Ông Nguyễn Quang Đô- Phó Chủ tịch UBND xã Song Vân cho biết, qua kết quả đánh giá thực tế sản xuất cho thấy, giống dưa chuột lai F1 G7 có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống dưa khác đang sản xuất tại địa phương như khả năng sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất cao, chất lượng quả ngon phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương. Mô hình đã góp phần thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung có liên kết sản xuất và ứng dụng các giống cây trồng, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Từ kết quả của mô hình, thời gian tới UBND xã sẽ tổ chức tuyên truyền đưa giống dưa chuột lai F1 G7 vào sản xuất và nhân rộng mô hình theo hướng sản xuất tập trung trên địa bàn.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/