Theo tổng hợp của các huyện, thành phố, toàn tỉnh hiện có 672 trang trại (trong đó trang trại trồng trọt 08, trang trại lâm nghiệp 04, trang trại chăn nuôi 605, trang trại nuôi trồng thủy sản 03, trang trại tổng hợp 52), tăng 52 trang trại so với năm 2014. Số trang trại đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chí mới là 538 trang trại tăng 58 trang trại so với năm 2014, số còn lại các huyện, thành phố đang tiếp tục thẩm định và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. 
Qua theo dõi, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đã khai thác tốt hơn về tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn và khoa học kỹ thuật góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa, đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung lớn phục vụ chế biên, xuất khẩu như: Vùng sản xuất cây ăn quả: vải, nhãn, bưởi, cam, na...; vùng sản xuất rau chế biến, rau an toàn; vùng chăn nuôi tập trung: gà, lợn,... và vùng gỗ nguyên liệu; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn góp phần tích cực cho địa phương xây dựng nông thôn mới thực hiện hoàn thành tiêu chí số 10 (thu nhập) của bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mỗi năm các trang trại có doanh thu bình quân gần 3 tỷ đồng; doanh thu lớn nhất là các trang trại chăn nuôi (trên 10 tỷ đồng). Thu nhập bình quân của trang trại/năm ước tính đạt trên 200 triệu đồng, thu hút trên 2.000 lao động.
Hiệu quả của kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn, nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giầu, ở các vùng nông thôn xuất hiện không ít những triệu phú, tỷ phú nông dân xuất phát từ làm kinh tế trang trại. Tuy có những thuận lợi, song việc phát triển kinh tế trang trại còn nhiều khó khăn như: trang trại phát triển theo hướng tự phát, chưa gắn với quy hoạch vùng sản xuất và các cơ sở chế biến; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, vật tư đầu vào sản xuất cao; thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên; thiếu vốn để đầu tư sản xuất; thiếu thông tin thị trường… Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình kinh tế trang trại, ngành chuyên môn và các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thiết thực, thực hiện đồng bộ và tạo điều kiện để các chính sách đất đai, thuế, tín dụng, đầu tư khoa học, công nghệ và đào tạo, lao động đến với các hộ làm trang trại; có những chính sách thị trường và tiêu thụ sản phẩm phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại.
Chi cục PTNT- Sở NN&PTNT